Trong những tuần gần đây, các nhà sản xuất và nhà bán lẻ lại phải đối mặt với sự chậm trễ và chi phí cao hơn khi các cuộc căng thẳng ở Biển Đỏ đã làm rung chuyển tuyến đường vận chuyển chính qua Kênh đào Suez. Giá cước vận tải đường biển đối với hàng hóa từ châu Á đến châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong bốn tuần qua.
Hôm thứ Sáu (12/1), các quan chức trong ngành cho biết rằng giá cước vận chuyển container cho các tuyến thương mại toàn cầu quan trọng đã tăng vọt trong tuần này, với các cuộc không kích của Mỹ và Anh vào Yemen làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn kéo dài đối với thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ, một trong những tuyến đường bận rộn nhất thế giới. Giá dầu Brent đã tăng tới 4,3% và nhanh chóng quay lại mức 80 USD/thùng trong ngày 12/1.
Peter Sand, nhà phân tích của nền tảng vận tải hàng hóa Xeneta cho biết: “Cuộc khủng hoảng này càng kéo dài thì càng gây ra nhiều gián đoạn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển trên toàn cầu và chi phí sẽ tiếp tục tăng”.
Trong số những lý do chính khiến lạm phát giảm trong năm qua là chi phí năng lượng giảm và chuỗi cung ứng đã phần lớn giải quyết được những căng thẳng do đại dịch. Nhưng tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ đang đảo ngược cả hai yếu tố làm giảm lạm phát này mà các ngân hàng trung ương đang kỳ vọng có thể giúp họ hoàn thành công việc kiểm soát lạm phát.
Mohamed El-Erian, hiệu trưởng trường Queens' College, Cambridge và cố vấn kinh tế trưởng của Allianz cho biết : “Đây là một thế giới mà chúng ta bắt đầu rất mong manh về phía nguồn cung, và sau đó bạn sẽ nhận thêm cú sốc này”.
Trong khi đó, Kênh đào Panama của khu vực Trung Mỹ vẫn bị hạn chế do hạn hán kéo dài khiến số lượng tàu có thể đi qua bị hạn chế.
Mặc dù sự gián đoạn vận chuyển không bằng mức độ căng thẳng trong thời kỳ đại dịch, nhưng sự tắc nghẽn ở hai trong số những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới đang khiến các công ty trong ngành cảnh báo rằng chuỗi cung ứng vẫn dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Cước phí vận chuyển container ở một số tuyến đường vận tải chính |
Stephen Lamar, Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu hàng đầu cho biết: “Đây là một lời nhắc nhở rất ấn tượng rằng chuỗi cung ứng tiếp tục rất mong manh. Nó có tác động đến lạm phát trên toàn ngành vận tải hàng hóa”.
Toàn bộ tác động lạm phát phần lớn sẽ được cảm nhận ở châu Âu và Mỹ, và sẽ cần thời gian để trở nên rõ ràng. Theo Ziad Daoud, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, sau các cuộc can thiệp của Mỹ và Anh thì xung đột ở Biển Đỏ khó có thể lan rộng ra khu vực rộng lớn hơn, hạn chế thiệt hại kinh tế.
Sự sụt giảm trong thương mại hàng hóa và dư thừa năng lực vận chuyển hàng hóa nên mức độ tác động tới giá sẽ không giống như những gì đã xảy ra trong thời kỳ đại dịch. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% trong năm 2023, mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2016, cho thấy nhu cầu hàng hóa toàn cầu yếu.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics cho biết: “Chi phí vận chuyển toàn cầu đã tăng vọt và giá dầu tăng vài đô la mỗi thùng, nhưng nếu đây là tác động tồi tệ nhất, có vẻ như rất có thể xảy ra, thì nó sẽ không chuyển thành lạm phát giá tiêu dùng cao hơn trên toàn cầu”.
Các công ty vận tải lớn như Maersk và Hapag-Lloyd đã định tuyến các tàu đi qua Kênh đào Suez sang tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng của Châu Phi. Điều đó đã gây ra sự chậm trễ kéo theo lịch trình tàu thuyền phức tạp. Giá cước đã tăng ít nhất gấp đôi so với một tháng trước trên các tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng vẫn ở dưới mức cao kỷ lục của đại dịch.
Trong khi đó, các công ty đã thực hiện các bước để giảm thiểu sự gián đoạn. Volvo Car AB sẽ tạm dừng sản xuất tại nhà máy ở Bỉ vào tuần tới do các cuộc tấn công vào tàu ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của công ty. Tesla được cho là sẽ đình chỉ hầu hết hoạt động sản xuất tại nhà máy Model Y gần Berlin từ ngày 29/1 đến ngày 11/2 để ứng phó với tình trạng gián đoạn.
Tại Anh, chuỗi cửa hàng bán lẻ Tesco cảnh báo rằng sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ có thể dẫn đến áp lực lạm phát.
Ken Murphy, Giám đốc điều hành Tesco cho biết: “Nếu phải đi vòng quanh châu Phi để đến châu Âu, điều đó sẽ kéo dài thời gian vận chuyển, hạn chế không gian vận chuyển và đẩy chi phí vận chuyển lên cao…Vì vậy, điều đó có thể thúc đẩy lạm phát ở một số mặt hàng, nhưng chúng tôi không biết rõ”.
Một chuyến hàng thông thường từ châu Á đến Mỹ hiện đang phải đối mặt với tình trạng chậm trễ từ 10 đến 12 ngày. Điều đó có nghĩa là chi phí vận hành tăng thêm cho nhiên liệu và nhân viên, đồng thời năng lực sẵn có ít hơn.
Ước tính của các nhà kinh tế tại Allianz Trade cho thấy chi phí vận chuyển tăng gấp đôi sẽ làm lạm phát tăng 0,7 điểm phần trăm đối với châu Âu và Mỹ, hoặc thêm 0,5 điểm phần trăm đối với toàn cầu.
Oxford Economics ước tính rằng giá một thùng dầu tăng vĩnh viễn 10 USD sẽ làm tăng thêm 0,22 điểm phần trăm vào lạm phát ở Anh và 0,29 điểm phần trăm đối với lạm phát toàn cầu vào năm 2024. Tác động lên tăng trưởng sẽ là khiến sản lượng toàn cầu giảm 0,07% trong năm nay và 0,09% chỉ riêng ở Anh.
Andrew Goodwin, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết sự gia tăng của Chỉ số vận chuyển hàng khô vùng biển Baltic có thể báo trước sự gia tăng giá hàng hóa ở Anh nhưng chỉ khi tình trạng này kéo dài.
Những thách thức của châu Âu xuất hiện trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể tỏ ra dai dẳng hơn dự kiến, làm phức tạp thêm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Lạm phát ở Mỹ đã tăng nhanh trong tháng 12 khi giá hàng hóa giảm dần.
Theo Craig Akers, giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận chuyển Đồ chơi (TOYSA) cho biết, hiện tại, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đang chuẩn bị cho tình trạng gián đoạn sẽ diễn ra như thế nào trong những tháng tới.
“Năm nay tôi đang nghĩ đến cuộc khủng hoảng kênh đào”, ông cho biết.