Ga Nha Trang (phường Phước Tân, TP Nha Trang) được khánh thành vào ngày 2-9-1936 và là nơi chứng kiến nhân dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp vào ngày 23-10-1945.
Cho đến ngày nay, ga Nha Trang vẫn còn giữ được kiến trúc độc đáo thời Pháp. Đây là ga kỹ thuật hỗn hợp khách - hàng, được bố trí nằm trọn trong đường ray chạy bao quanh hình bóng đèn.
Sẽ lập bảo tàng ga Nha Trang
Theo Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, hiện bình quân mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu ra vào ga Nha Trang.
Mỗi lần tàu khách vào ga đón trả khách mất từ 7 đến 15 phút, tàu hàng mất ít nhất 30 phút.
Hiện có gần 1.000 hộ dân sinh sống hai bên đường ray với chiều dài khoảng 2km đã tạo hàng chục điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ chuyển đổi chức năng ga Nha Trang (sau năm 2030), với diện tích đất công viên, đường đi bộ và bảo tàng ga chiếm tối thiểu khoảng 60% diện tích, còn lại khoảng 40% là các khu phố ở kết hợp dịch vụ và các khu tái định cư tại chỗ cho các hộ bị giải tỏa.
Đồng thời tiếp tục duy trì ga hành khách Nha Trang và xây dựng mới ga hàng hóa tại xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang để thay thế.
Ga Phú Vinh hơn trăm tuổi sẽ bị phá dỡ
Ga Phú Vinh (xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang) được xây dựng từ năm 1913, sau đó đến năm 1928 người Pháp tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Đà Nẵng - Nha Trang để hoàn thiện tuyến đường sắt xuyên Việt, trong đó có việc xây dựng ga Nha Trang, cách ga Phú Vinh về phía bắc 4km.
Ga Phú Vinh có kiến trúc 2 tầng, diện tích được xây dựng là 170m2.
Kết cấu của nhà ga Phú Vinh bao gồm móng đá, tường xây bằng gạch, gác và cầu thang gỗ, mái lợp ngói.
Nhà ga được thiết kế mang đậm đặc trưng của kiến trúc Pháp, tường gạch dày từ 0,4m đến 0,5m.
Khi ga Nha Trang được xây dựng xong năm 1936, ga Phú Vinh được sử dụng để làm trạm tiếp nước cho đầu máy hơi nước.
Sau này, ga dùng để phục vụ các công tác quản lý, bảo dưỡng cầu, đường ray và sau đó là nơi ở tạm thời của các gia đình công nhân viên ngành đường sắt.
Từ năm 2018, ga Phú Vinh đã không được sử dụng cho đến nay và bị xuống cấp nặng. Sau rất nhiều năm bị bỏ hoang, ga đã ngày càng hoang tàn với mái ngói đổ nát, sàn gỗ tầng 1 có thể rơi xuống bất kể lúc nào gây nguy hiểm đến người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, trước đây Bộ Giao thông vận tải đã có đồng ý về chủ trương phá dỡ nhà ga Phú Vinh để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và người dân trong khu vực.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện việc tháo dỡ theo quy định.
Mong giữ lại ga Phú Vinh
Chị Nguyễn Thị Lệ Thu, người dân TP Nha Trang, chia sẻ: "Với tôi ga Nha Trang, ga Phú Vinh đều là những nhà ga cổ gắn với sự hình thành vùng đất này, là kỷ niệm với người dân Nha Trang.
Cần phải bảo tồn, xây dựng ga Nha Trang làm điểm tham quan, trưng bày cho du khách khi đợi tàu, còn ga Phú Vinh nên xem xét việc duy tu, sửa chữa thay vì phá dỡ, vì công trình vẫn giữ các kết cấu đẹp từ thời Pháp".
TTO - Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận về quy hoạch tỉnh và điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040. Trong đó, có các khu vực được dư luận quan tâm như ga Nha Trang, núi Cù Hin, dọc đường ven biển Nha Trang…