Mới đây, Người Đưa Tin đã có phản ánh về việc khai thác cát có dấu hiếu trái phép gần khu vực được cấp phép của Công ty Cổ phần Quảng Tây (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Tp.Hà Nội) trên khu vực sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn thị trấn Tây Đằng. Cùng với đó, chúng tôi có phản ánh hoạt động bến bãi với hình thức tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trên diện tích hàng nghìn mét vuông suốt nhiều năm qua của Công ty Quảng Tây nhưng không bị chính quyền sở tại xử lý, có dấu hiệu bao che cho sai phạm.
Để làm rõ sự việc nêu trên, Người Đưa Tin đã liên hệ làm việc với Công an huyện Ba Vì. Sau đó, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Nam – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế ma túy Công an huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn huyện Ba Vì có 1 đơn vị còn thời hạn khai thác cát làm vật liệu xây dựng là Công ty Cổ phần Quảng Tây tại bãi nổi sông Hồng bằng phương pháp lộ thiên.
Theo đó, Công ty Cổ phần Quảng Tây được cấp phép khai thác với công suất 125.000m3/năm, thời gian khai thác từ 31/10 năm trước đến 15/6 năm sau. Thời hạn cấp phép khai thác là 10 năm, từ năm 2015 đến năm 2025.
Tại vị trí mỏ của Công ty Cổ phần Quảng Tây có 4 phương tiện tàu hút đăng ký hoạt động gồm: (HN-1723, HN-2242, HN-2234, HN-2243), tất cả các phương tiện nêu trên đều có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa và còn thời hạn đăng kiểm theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa.
Về tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực này, ông Nam cũng cho biết, tháng 3/2022, Công ty Cổ phần Quảng Tây đã bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền là 243.140.000 đồng về vi phạm khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100m.
Trước đó, trong cuộc làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND Thị trấn Tây Đằng cũng cho biết, trong quyết định thuê đất để khai thác, quyết định thu hồi hơn 20ha để Công ty Cổ phần Quảng Tây thuê khai thác vật liệu san lấp ghi rất rõ chi tiết là tại bãi nổi bãi sông Hồng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa Tin thì tại gần khu vực được cấp phép cho Công ty Cổ phần Quảng Tây khai thác thì lại xuất hiện nhiều tàu công suất lớn khai thác trực tiếp dưới lòng sông.
Từ đó khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi có hay không tình trạng lợi dụng giấy phép để khai thác cát? Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Nam – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế ma túy Công an huyện Ba Vì khẳng định: Công ty Cổ phần Quảng Tây đã được chấp thuận thay đổi phương pháp khai thác lộ thiên thành dụng tàu hút khai thác bằng sức nước. Sau khi cát được bơm hút từ lòng sông lên tàu sẽ vận chuyển về bãi tập kết cát.
Khi phóng viên hỏi về văn bản chấp thuận việc thay đổi phương pháp khai thác cát của Công ty Cổ phần Quảng Tây thì vị Đội trưởng này cho biết việc này chỉ được chấp thuận “bằng miệng”. “Công ty Cổ phần Quảng Tây đã có văn bản gửi để xin thay đổi phương án khai thác và đã được chấp thuận, nhưng việc đồng ý chấp thuận này không có văn bản mà chỉ là chấp thuận bằng miệng. Người ta không trả lời bằng văn bản bao nhiêu năm nay rồi, toàn trả lời bằng mồm, đơn vị nào cũng thế, mỏ nào cũng thế”, ông Nam nói với Người Đưa Tin.
Thêm đó, ông Nguyễn Ngọc Nam cung cấp thêm thông tin Công ty Cổ phần Quảng Tây có tờ trình số 08/TTr-QT ngày 24/01/2022 và tờ trình số 19/02/2022 gửi Sở Công Thương Hà Nội thẩm định thiết kế bản vẽ thi công triển khai sau thiết kế cơ sở công trình khai thác cát làm vật liệu san lấp tại bãi nổi sông Hồng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Tp.Hà Nội. Trong đó nêu rõ hệ thống khai thác và công nghệ khai thác có nêu sử dụng tàu hút khai thác bằng sức nước. Sau khi được bơm hút từ lòng sông lên tàu và được vận chuyển về bãi tập kết cát. Ngày 18/03/2022, Công ty Cổ phần Quảng Tây được Sở Công Thương Hà Nội chấp phê duyệt tại văn bản số 942/SCT-KTATMT.
Tuy nhiên, qua văn bản 942 của Sở Công Thương gửi Công ty Quảng Tây, phóng viên không hề nhận thấy có dòng thông tin nào thể hiện việc “chấp thuận” nội dung này.
Cụ thể, văn bản của nội dung 942 thể hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, phần Phụ lục I, Mục II: Công trình mỏ khai thác cát thuộc nhóm Công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng; thẩm quyền quản lý chất lượng công trình Mỏ khai thác cát làm vật liệu san lấp thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo đó, thẩm quyền là thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trên địa bàn hành chính của mình theo phân cấp; chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chuyên môn trực thuộc trong việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành trên địa bàn.
Như vậy, có thể thấy, văn bản số 942 của Sở Công Thương Hà Nội chỉ đơn giản là “văn bản hướng dẫn” doanh nghiệp làm theo đúng quy trình, quy định.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay, đây là nội dung cập nhật mới của thiết kế mỏ. “Về việc quản lý hồ sơ mỏ này thì hàng tháng, hàng quý, hàng năm đều có bổ sung tài liệu; trong đó đơn vị thay đổi cái gì thì phải cung cấp, còn nhận thấy họ chưa cung cấp cho mình thì mình đôn đốc nhắc nhở bổ sung vào trong đấy”, ông Nam nói.
Qua lý giải của vị Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế ma túy Công an huyện Ba Vì, khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Bởi, thứ nhất, nội dung đại diện Công an huyện Ba Vì cung cấp về việc Công ty Cổ phần Tây Đằng được thay đổi phương pháp khai thác cát cũng chỉ là “chấp thuận bằng mồm”.
Thứ hai, vị Đội trưởng này cho rằng tàu hút cát đưa về bến bãi tập kết chỉ là “một phần” của sự thật. Bởi theo phóng viên nghi nhận, việc khai thác cát của doanh nghiệp này hầu như với hình thức “hút sang mạn”, nhiều phương tiện đầy cát đã lập tức di chuyển về hạ nguồn sông Hồng để đưa cát đi tiêu thụ, còn một số tàu được đưa về bãi tập kết.
Bến bãi có hoạt động trái phép?
Liên quan đến bến bãi tập kết cát của Công ty Cổ phần Quảng Tây tại thị trấn Tây Đằng. Vị Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế ma túy Công an huyện Ba Vì cho rằng, bến bãi của doanh nghiệp này được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, qua làm việc với lãnh đạo Thị trấn Tây Đằng thì chúng tôi lại ghi nhận thông tin ngược lại. Theo đó, bến bãi này của Công ty Quảng Tây chỉ có hợp đồng thuê đất với hình thức “thuê đất 5 năm 1 lần”. Và bến bãi này của Công ty Cổ phần Quảng Tây chưa được cấp phép hoạt động. Doanh nghiệp này mới làm hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp phép nhưng chưa được chấp thuận.
Cũng liên quan đến việc khai cát cát của Công ty Cổ phần Tây Đằng. Theo phóng viên ghi nhận, các tàu hút công suất lớn, hoán cải với 5 vòi hút tại gần khu vực được cấp phép thì việc quản lý trữ lượng khai thác cũng là dấu hỏi được đặt ra đối với cơ quan chức năng.
Còn theo lãnh đạo UBND thị trấn Tây Đằng cho biết, việc quản lý trữ lượng khai thác cát đối với Công ty Cổ phần Quảng Tây dường như là “không thể” bởi tàu hút dưới sông, trên bờ không thể nắm rõ.
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Ba Vì nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Qua đây, kính đề nghị lãnh đạo UBND Tp.Hà Nội, Công an Tp.Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hà Nội, UBND huyện Ba Vì chỉ đạo, điều tra, làm rõ sự việc. Xử lý nghiêm vi phạm nếu có.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Ba Vì đã chủ trì, trực tiếp phát hiện, bắt giữ 5 vụ hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tại các xã Cổ Đô, Phú Cường, Tản Hồng. Trong đó, 3 vụ đã ra quyết định xử phạt 8 đối tượng, với tổng số tiền 1.469.541.000 đồng. Hiện còn 2 vụ hiện đang tiến hành xác minh để xử lý theo quy định.