Trung Đông nguy cơ rơi vào hỗn loạn sau các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Houthi. Các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào lực lượng Houthi Houthi là phản ứng leo thang sau nhiều tuần giao tranh ở Biển Đỏ, điều mà Washington cho rằng hoạt động này được lên kế hoạch để "làm gián đoạn và suy giảm khả năng Houthi tiếp tục các cuộc tấn công liều lĩnh nhằm vào tàu thuyền và tàu chở hàng thương mại". Nhưng một số nước khu vực và các chuyên gia lo ngại đây chỉ là sự khởi đầu.
Các máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ và Anh đã tấn công hơn 10 địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen bằng lửa hành trình Tomahawk ngày 11/1 nhằm phản ứng mạnh mẽ trước cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ đang nhấn chìm khu vực, nơi Mỹ và các đồng minh đang đối đầu trực tiếp với Houthi.
Các cuộc tấn công nhằm vào Yemen là hành động sau nhiều tuần giao tranh ở Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi đã tấn công hoặc cướp hàng chục tàu chở hàng dân sự và tàu chở dầu nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Mỹ đã tiến hành cuộc oanh tạc quy mô lớn vào các kho quân sự và bãi phóng máy bay không người lái của Houthi với sự hợp tác của lực lượng Anh và sự hỗ trợ của liên minh đang phát triển bao gồm Đức, Hà Lan, Australia Canada, Hàn Quốc và Bahrain. Đáp lại, Houthi tuyên bố Anh và Mỹ sẽ phải trả “giá đắt” cho những cuộc không kích.
Phản ứng trước động thái mới trên trong khu vực, Ai Cập và Saudi Arabia đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Ai Cập nói rõ Cairo kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng và tránh gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt là tuyến hàng hải trên Biển Đỏ. Những diễn biến nguy hiểm và ngày càng leo thang gần đây ở Biển Đỏ cũng như ở Yemen diễn ra theo đúng cảnh báo trước đó của Ai Cập về nguy cơ xung đột lan rộng xuất phát từ các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.
Về phần mình, Saudi Arabia cũng kêu gọi các bên kiềm chế và tránh leo thang xung đột trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đỏ.
Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas chưa lắng dịu, viễn cảnh về một cuộc xung đột toàn diện tại một trong những khu vực quan trọng về mặt chiến lược và mong manh về mặt chính trị nhất trên thế giới đang khiến các nhà phân tích an ninh cũng như thị trường năng lượng lo sợ.
Christian Koch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh ở Saudi Arabia nhận định tất cả những điều đó góp phần tạo nên một môi trường ngày càng bất ổn khiến nhiều nước lo lắng. “Hiện tại có rất nhiều thứ đang bị đe dọa và các nước đang vô cùng lo lắng về việc leo thang hơn nữa và đây là một vòng xoáy đi xuống nguy hiểm”, chuyên gia Koch lưu ý.
Chiến sự ở Gaza chuyển sang giai đoạn mới
Quân đội Israel xác nhận chiến dịch tấn công tại Dải Gaza chuyển sang giai đoạn mới với cường độ thấp hơn. Theo Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel, cuộc xung đột tại Dải Gaza có thể tiếp diễn cả năm 2024 và lan sang các mặt trận khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết Lực lượng phòng vệ nước này (IDF) đang thực hiện cách tiếp cận có mục tiêu hơn ở phía Bắc và tiếp tục truy đuổi các thủ lĩnh Hamas ở phía Nam trong khi Israel tìm cách giải thoát những con tin còn bị Hamas giam giữ.
Ông Gallant cho biết các hoạt động ở phía bắc sẽ bao gồm các cuộc đột kích, phá hủy các đường hầm, các cuộc tấn công trên không và trên bộ cũng như các hoạt động của lực lượng đặc biệt. IDF ngày 11/1 thông báo lực lượng Israel tiếp tục xác định và phá hủy các đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Theo IDF, Hamas đã chi hàng chục triệu USD để xây dựng hàng trăm km đường hầm và phía Israel vẫn chưa phá hủy được một nửa số đường hầm của Hamas ở Dải Gaza.
Ở phía Nam, nơi phần lớn 2,3 triệu dân của Gaza hiện đang sống trong lều trại và những nơi tạm trú khác, trọng tâm sẽ là tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas và giải cứu khoảng 130 con tin Israel còn nằm trong tay Hamas trong số 240 người bị bắt cóc vào ngày 7/10 năm ngoái.
Như vậy, dưới áp lực quốc tế phải chuyển sang các hoạt động chiến đấu ít căng thẳng hơn, giảm bớt các cuộc tấn công ở Gaza và đối mặt với những thách thức kinh tế, Israel đã rút bớt lực lượng ở Gaza.
Bạo lực leo thang ở Ecuador
Bạo lực leo thang tại Ecuador trong tuần qua đã khiến Tổng thống nước này Daniel Noboa phải ban bố tình trạng chiến tranh, áp đặt giới nghiêm đồng thời liệt kê 22 băng nhóm là tổ chức khủng bố, biến chúng thành mục tiêu quân sự chính thức.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ecuador gây ra bởi các băng đảng ở Ecuador bắt đầu từ ngày mùng 7/1, khi tên trùm ma túy Fito trốn khỏi nhà tù ở Guayaquil chỉ vài giờ trước khi hắn bị chuyển đến một nhà tù an ninh tối đa. Đây là một trong những trùm ma túy quyền lực nhất Ecuador.
Ngay sau khi Fito trốn thoát, giới chức nhà tù Ecuador báo cáo một loạt vụ bạo loạn xảy ra tại ít nhất 6 nhà tù. Lính canh đã bị tù nhân bắt làm con tin và bị dọa giết nếu chính quyền điều binh lính đến. Khoảng 39 tù nhân cũng đã vượt ngục ở thành phố Riobamba... Hiện nay, các lực lượng chức năng Ecuador đang triển khai trấn áp mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuộc chiến với băng đảng ma túy ở nước này sẽ không hề dễ dàng bởi chân rết của chúng đã cắm sâu.
Trong các nhà tù ở Ecuador, các băng đảng đã lợi dụng năng lực kiểm soát yếu kém của nhà nước để mở rộng quyền lực. Bạo lực trong nhà tù ngày càng trở nên phổ biến, khiến trên 400 tù nhân thiệt mạng kể từ năm 2021. Năm 2023, cảnh sát đã tịch thu tổng cộng 220 tấn ma túy và ghi nhận khoảng 8.000 người thiệt mạng vì bạo lực, khiến năm này trở thành một trong những năm bạo lực nhất trong lịch sử Ecuador.
Kinh tế toàn cầu có thể "hạ cánh mềm"
Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Julie Kozack ngày 11/1 nhận định kinh tế toàn cầu có thể "hạ cánh mềm", khi lạm phát tiếp tục giảm mà không gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Kozack cho biết, kinh tế toàn cầu trong năm ngoái đã cho thấy sự kiên cường hơn dự kiến. Các dự báo suy thoái đối với nhiều khu vực đã không diễn ra. IMF nhận định, xu hướng đó sẽ tiếp tục trong năm nay.
Bà Kozack cũng cảnh báo sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới có thể khiến GDP toàn cầu giảm 4,5% khi các nước triển khai các chiến lược nhằm "giảm thiểu rủi ro". Một số khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang ngày càng chảy vào các quốc gia có liên kết địa chính trị, trong khi các biện pháp hạn chế thương mại có xu hướng tăng lên trong khoảng 5 năm qua.
Hồi tháng 10/2023, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3% trong năm 2023, tăng nhẹ so với dự báo trước đó, trước khi giảm xuống 2,9% vào năm 2024. Dự báo tăng trưởng của IMF là thấp, cho thấy những thách thức mà kinh tế toàn cầu đối mặt khi tiếp tục phục hồi sau khi đại dịch gây ra những thiệt hại kinh tế đối với nhiều nước.
Một trong những thách thức của kinh tế toàn cầu là đà phục hồi không đồng đều. Các nước thu nhập thấp có nguy cơ tụt lại phía sau. Kinh tế thế giới đang trong thời điểm khó khăn nhất trong quá trình phục hồi sau một loạt các cú sốc như đại dịch, cú sốc về giá lương thực và dầu mỏ.
Trước đó ngày 9/1, Ngân hàng Thế giới đã công bố dự báo ảm đạm về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2024, năm thứ ba liên tiếp giảm tốc, với mức tăng 2,4%. Liên Hợp Quốc đầu tháng 1/2024 công bố báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% trong năm 2023 xuống 2,4% trong năm nay.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới 2024 của Liên Hợp quốc, thương mại toàn cầu suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao, đầu tư liên tục thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến tăng trưởng toàn cầu gặp rủi ro.