Theo đài Fox News, đây là dự án khoa học đầu tiên trên thế giới khoan các lỗ sâu khoảng 2-3km xuyên qua lớp vỏ Trái đất tại ngọn núi lửa có tên Krafla, phía đông bắc Iceland.
Khoang magma, còn gọi là lò magma, là một vùng có khối đá nóng chảy magma bên dưới bề mặt Trái đất. Đá nóng chảy trong một khoang như vậy chịu áp lực rất lớn và tăng dần. Khi đủ thời gian, áp suất này có thể dần dần phá vỡ đá quanh nó, tạo ra một con đường để magma di chuyển lên trên. Nếu nó tìm đường đến được bề mặt Trái đất, kết quả sẽ là một vụ phun trào núi lửa.
Với hơn 200 ngọn núi lửa, Iceland dẫn đầu thế giới về năng lượng địa nhiệt - nơi các giếng được khoan vào núi lửa để lấy nhiệt hoặc hơi nước nóng. Sau đó các hơi nóng này được cho chạy qua các tuabin để sản xuất điện.
Theo Energy Transition - một trang web về năng lượng xanh, khoảng 90% ngôi nhà ở Iceland được sưởi ấm bằng năng lượng địa nhiệt.
Việc khai thác sâu tới các khoang magma của núi lửa có thể giải phóng nguồn siêu năng lượng mạnh mẽ hơn.
Giám đốc dự án Björn Þór Guðmundsson nói với tờ Daily Mail: “Mục đích của việc sản xuất năng lượng địa nhiệt siêu nóng từ khoang magma nhằm tạo ra năng lượng mạnh hơn nhiều so với các giếng thông thường”.
Dự án được Tập đoàn Krafla Magma Testbed (KMT) thực hiện.
Theo trang New Scientist, các nhà khoa học của dự án đã xác nhận việc khoan vào khoang magma không khiến núi lửa phun trào.
Dự án cũng sẽ giúp các nhà khoa học của KMT giám sát khoang magma bằng cách áp dụng các biện pháp đo áp suất, từ đó có thể cải thiện dự báo về các vụ núi lửa phun.
Krafla là một trong những ngọn núi lửa bùng nổ nhiều nhất đất nước Iceland.
Nó đã phun trào tất cả 29 lần. Lần phun trào cuối cùng của Krafla là vào năm 1984.
Khắp nơi trên thế giới, từ Iceland đến Ý, nhiều núi lửa đang hoạt động khiến không ít người lo lắng.