Chiều 14-1, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa phối hợp Làng trẻ em SOS Nha Trang tổ chức chương trình giao lưu khoa học "Bay lên những ước mơ", với sự tham gia của hàng trăm học sinh trên địa bàn TP.
Lần thứ hai đến với học sinh Nha Trang, sân chơi này là hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức khoa học cơ bản và sáng tạo sản phẩm thông qua việc tự thiết kế tên lửa nước từ vật liệu tái chế.
Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 4 đội thi trong và ngoài TP Nha Trang. Các đội thi trải qua 3 phần chính là thuyết trình sản phẩm, bắn tầm cao bung dù và bắn trúng mục tiêu.
Ông Lê Hùng Nghệ - giám đốc Làng trẻ em SOS Nha Trang - cho biết đây là sân chơi nhằm khơi dậy tiềm năng, niềm đam mê khoa học của học sinh.
"Chúng tôi mong qua cuộc thi, các em sẽ có một sân chơi bổ ích, thú vị, được thỏa sức sáng tạo, thể hiện cá tính của bản thân thông qua các sản phẩm khoa học" - ông Nghệ nói.
Về nguyên lý hoạt động, thủy phi tiễn (tên lửa nước) là một mô hình tên lửa sử dụng áp suất nước làm lực đẩy, bộ phận chính là chai nước dung tích 1,5 lít và một bệ phóng. Bệ phóng này qua một chiếc bơm hơi, tạo áp suất đủ lớn giúp tên lửa nước bay lên.
Tìm hiểu về cách thức chế tạo tên lửa nước trong thời gian gần đây, bạn Phạm Dương Gia Phát ở đội thi STEAM Nha Trang cho biết việc chế tạo tên lửa này không mất quá nhiều thời gian, tuy nhiên khó khăn nhất là việc canh chỉnh áp suất, đường bay của tên lửa và việc phân tích hướng gió để tên lửa thuận lợi phóng ra và trúng mục tiêu.
Trải qua những phần thi gay cấn, với sự quyết đoán và tỉ mỉ, đội thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh) đã xuất sắc giành giải nhất chung cuộc.
Trần Ngọc Quỳnh Trân - học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám - nói việc tham gia cuộc thi đã giúp bản thân và các bạn trong đội tiếp cận được những kiến thức khoa học thú vị.
"Em hy vọng những sân chơi khoa học bổ ích như thế này sẽ đến với nhiều bạn trẻ hơn, giúp các bạn có thêm những kiến thức, trải nghiệm để hoàn thiện bản thân trong tương lai", Trân chia sẻ.
Lão nông Lưu Quang Trương (66 tuổi, ở xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã sáng chế nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp cho năng suất hiệu quả.