Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các đại biểu trước phiên họp đã nêu rõ hơn các phương án quy định về can thiệp sớm, rút tiền hàng loạt và kiểm soát đặc biệt...
Kiểm soát đặc biệt khi nào?
Cụ thể, với trường hợp can thiệp sớm, dự thảo luật quy định theo hướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm. Bao gồm các trường hợp như số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ theo báo cáo tài chính, kết luận thanh tra kiểm toán gần nhất; vi phạm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Đồng thời bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng. Điều này tránh tình trạng có tổ chức tín dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động, đến khi phát hiện thì đã muộn, việc xử lý càng trở nên khó khăn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.
Với quy định về kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Thường vụ tiếp thu các ý kiến theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.
Bao gồm các trường hợp như: Khi ngân hàng không có phương án khắc phục hoặc không điều chỉnh phương án theo yêu cầu; hết thời hạn thực hiện phương án nhưng không khắc phục được; bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ mất an toàn hệ thống; tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng thấp hơn 4% trong vòng 6 tháng; ngân hàng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản…
Trong trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về phương án phục hồi và sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt vào dự thảo luật.
Khi nào Thủ tướng phê duyệt khoản vay lãi suất 0%/năm?
Đối với trường hợp rút tiền hàng loạt, vay và cho vay đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa dự thảo theo hướng: Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất và có tài sản bảo đảm đối với ngân hàng. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản cho vay đặc biệt theo quy định của thống đốc.
Ngân hàng hợp tác xã quyết định cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Việc cho vay đặc biệt với lãi suất là 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đối với quỹ tín dụng nhân dân thực hiện theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở đề xuất của ngân hàng hợp tác xã…
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác quyết định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với ngân hàng trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Dự thảo cũng quy định về việc thanh tra, giám sát ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 10-2023, người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng thêm 422 tỉ đồng so với tháng 9, đạt hơn 6,4 triệu tỉ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.