Các chặng dài hơn như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Vinh vé đi vào các ngày cao điểm cũng khan hiếm.
Chẳng hạn ngày 25 Tết, chặng TP.HCM - Hà Nội, các đoàn tàu đều hết vé, có tàu không còn ghế phụ. Riêng tàu SE24 tuyến TP.HCM - Hà Nội, mỗi toa còn 5-6 ghế phụ với mức giá 1,8 triệu đồng/vé.
Như vậy để có thể đi tàu về quê ăn Tết vào ngày cao điểm, người dân phải canh trên hệ thống bán vé để đặt ngay những chiếc vé hiếm hoi được khách trả lại. Tuy nhiên vé tàu chặng TP.HCM - Hà Nội trước 23 Tết còn nhiều.
Mức giá vé giường nằm khoang 4 giường điều hòa loại tàu SE6 khoảng 3 triệu đồng/vé, ngồi mềm điều hòa ở mức 2,4 triệu đồng/vé.
Dịp Tết năm nay, ngành đường sắt cung ứng khoảng 200.000 chỗ. Thời gian qua Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã bổ sung thêm 8 chuyến tàu từ TP.HCM - Hà Nội và ngược lại, từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi về TP.HCM. Cùng với đó là nối thêm toa tàu, bổ sung hàng ngàn vé.
Theo công ty, hiện đã bán trên 152.000 vé tàu Tết. Về số lượng vé còn lại, từ ngày 22 tháng chạp trở về trước và ngày 29, 30 tháng chạp còn vé đi tất cả các ga. Các ngày 23 đến 28 tháng chạp còn ít vé.
Giai đoạn sau Tết từ ngày 6 đến 8 tháng giêng còn ít vé, các ngày khác còn nhiều vé đi tất cả các ga.
Ngành đường sắt khuyến cáo khách không mua vé qua trung gian "cò mồi, chợ đen" để tránh vé giả, vé bị cạo sửa giá vé, ngày đi (không có giá trị đi tàu).
Khách chỉ mua vé qua website của ngành đường sắt (dsvn.vn, vetau.com.vn), tại các ga hoặc các đại lý, qua các ứng dụng điện tử, tổng đài bán vé.
Ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu, giấy tờ tùy thân tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Hành khách có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ lên tàu mới được vào ga đi tàu.
Một số tin tức đáng chú ý: Việt Nam thu hút hơn 36,6 tỉ USD đầu tư nước ngoài; Bổ sung 3.000 vé tàu Tết; TP.HCM cấm đường khu trung tâm để tổ chức sự kiện đón năm mới...