Tổ chức từ thiện Oxfam International (một liên minh quốc tế gồm 21 tổ chức hoạt động ở hơn 85 quốc gia) hôm 14/1 công bố báo cáo thường niên về chênh lệch giàu nghèo, trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ). Theo đó, kể từ năm 2020, tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng 114% lên 869 tỷ USD.
5 người này gồm CEO Tesla Elon Musk, ông chủ LVMH Bernard Arnault, Jeff Bezos của Amazon, đồng sáng lập Oracle Larry Ellison và tỷ phú đầu tư Warren Buffett. Oxfam cho rằng nếu xu hướng này tiếp tục, thế giới có thể ghi nhận người có tài sản nghìn tỷ USD đầu tiên trong một thập kỷ tới.
Trong khi đó, gần 5 tỷ người trên thế giới lại nghèo đi, do lạm phát, chiến tranh và biến đổi khí hậu. Với tốc độ hiện tại, thế giới sẽ phải mất gần 230 năm nữa mới xóa được nghèo.
Oxfam cho biết gần 800 triệu công nhân trên thế giới ghi nhận lương trong 2 năm qua không theo kịp lạm phát. Điều này khiến trung bình, họ mất 25 ngày thu nhập mỗi năm. Trong 1.600 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, chỉ 0,4% công khai cam kết đảm bảo lương của công nhân đủ sống, đồng thời có hỗ trợ cho người lao động.
Báo cáo cũng cho biết trong 10 công ty niêm yết lớn nhất thế giới, 7 doanh nghiệp có CEO hoặc một cổ đông lớn là tỷ phú. Hôm 15/1, họ kêu gọi các chính phủ kiềm chế quyền lực của các doanh nghiệp, bằng cách chia nhỏ công ty, đánh thuế lợi nhuận bất thường, thuế tài sản và đưa ra nhiều biện pháp về kiểm soát cổ phần.
Oxfam ước tính 148 doanh nghiệp hàng đầu đã thu về 1.800 tỷ USD lợi nhuận, tăng 52% trong 3 năm qua. Điều này giúp các cổ đông được trả khoản tiền khổng lồ, dù hàng triệu công nhân đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
"Sự bất bình đẳng này không phải là ngẫu nhiên. Nhóm tỷ phú đang khiến các doanh nghiệp mang lại cho họ nhiều tài sản hơn, trên công sức của những người khác", Giám đốc tạm quyền của Oxfam Amitabh Behar cho biết.
Báo cáo của Oxfam lấy số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Wealth-X và Forbes. Họ cho biết top 1% người giàu nhất thế giới hiện nắm 43% tài sản tài chính toàn cầu. Tại Mỹ, tỷ lệ này là 32%. Tại châu Âu là 47% và châu Á lên tới 50%.
Oxfam International thành lập năm 1955 với mục tiêu tìm giải pháp cho tình trạng đói nghèo và bất công trên thế giới.
Hà Thu (theo Reuters)