Trái ngược với phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index sáng nay (15/1) mở cửa "nhảy gap" tăng đầu phiên.
Tuy vậy, áp lực bán trên vùng 1.160 vẫn khá mạnh trong khi thanh khoản thị trường có sự chững lại, chỉ số sau đó thu hẹp biên độ. Tạm kết phiên sáng, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng 2,52 điểm tương ứng 0,22% còn 1.157,22 điểm; VN30-Index tăng 2,92 điểm tương ứng 0,25%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,86 điểm tương ứng 0,37% còn UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,02%.
Thanh khoản sàn HoSE sáng nay ở mức 261 triệu cổ phiếu tương ứng 5.346 tỷ đồng và trên HNX là 25 triệu cổ phiếu tương ứng 431 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 13 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 183 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn hỗ trợ đáng kể cho chỉ số tuy vậy, trong nhóm ngành này đã xuất hiện phân hóa nhẹ. Nếu như OCB tăng 2,7%; VIB tăng 1,7%; LPB tăng 1,5%; MBB tăng 1,4%. BID, STB, SHB, VCB tăng nhẹ thì TCB, CTG lại điều chỉnh 1%, SSB, VPB, EIB, HDB, ACB đang giao dịch thấp hơn mức mở cửa.
Trong top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index có BID (đóng góp 0,49 điểm; VCB đóng góp 0,41 điểm), song ngược lại, CTG, TCB, VPB lại là 3 cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số, lần lượt lấy đi của VN-Index 0,4 điểm, 0,3 điểm và 0,2 điểm.
Nhiều cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính giảm giá, nhưng mức điều chỉnh không lớn. Một số mã có mức điều chỉnh tương đối mạnh hơn là EVF giảm 2,1%. CTS giảm 1,2%; BSI giảm 1%, AGR giảm 0,9%; các mã khác như TVS, VCI, APG, VND, SSI, FTS đều đang ở vùng "giá đỏ".
Cổ phiếu ngành bất động sản không có biến động đáng kể. Phía tăng có TCH, LDG, DIG, VHM, ITA, AGG, HDC, NVL… trong khi phía giảm có DXG, PDR, NBB, SJS, KBC, TDH, HQC. Mức dao động giá của các cổ phiếu này không lớn.
Toàn thị trường phiên sáng có 414 mã tăng giá với 16 mã tăng trần so với 307 mã giảm với 14 mã giảm sàn. Riêng sàn HoSE chỉ có 166 mã giảm, 4 mã giảm sàn trong khi số mã tăng là 243 mã và có 2 mã tăng trần.
Như vậy, hoạt động bán ra với các cổ phiếu trên thị trường ở bối cảnh hiện tại đơn thuần xuất phát từ tâm lý chốt lời của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vẫn tích cực được mua vào dù đã đạt được đà tăng đáng kể trong thời gian vừa qua.
Thị trường có phản ứng tích cực và hứng khởi đầu phiên sáng khi Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường để xem xét, thông qua 4 nội dung, gồm hai dự thảo lớn là Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Xem thêm: mth.42650723151104202-cuc-hcit-naohk-gnuhc/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad