Đám cưới của chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal là một trong những đám cưới được mong chờ nhất tại Ấn Độ trong năm 2019, cũng là sự kiện “vô tiền khoáng hậu” ở Phú Quốc. Gia đình chú rể muốn đám cưới của con trai diễn ra trên một bãi biển, nhưng phải độc đáo, chưa từng có đại gia Ấn Độ nào khác tìm đến làm lễ cưới. Cuối cùng, khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đã được lựa chọn.
Khoảng 700 khách mời là giới thượng lưu đến từ Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, cùng hơn 200 người phục vụ. 11 sự kiện, nghi lễ được tổ chức trong 4 ngày từ 7-10/3/2019. Hai máy bay của Vietjet được thuê riêng để chở thẳng khách từ Ấn Độ đến Phú Quốc. Thức ăn phục vụ cho tiệc cưới cũng được vận chuyển sang bằng chuyên cơ.
Làn sóng du khách từ thị trường tỷ dân
“Siêu đám cưới” này dường như đã “kích hoạt” một làn sóng du khách mới đầy tiềm năng cho Việt Nam, cũng như trở thành tiền lệ giúp đưa Việt Nam vào list địa điểm tổ chức đám cưới lý tưởng của giới siêu giàu Ấn Độ.
2019 là năm đầu tiên thị trường Ấn Độ xuất hiện trong báo cáo thường niên của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VNAT) với tổng cộng 169.000 lượt khách, tăng tới 27,7% so với năm trước đó. Theo VNAT, con số này đạt được là nhờ những đường bay thẳng đầu tiên giữa hai nước của các hãng hàng không IndiGo và Vietjet Air, khai trương lần lượt vào tháng 10/2019 và đầu tháng 12/2019.
Theo số liệu của nền tảng Agoda, từ tháng 1/2019 đến giữa tháng 5/2023, lượng tìm kiếm về khách sạn và chuyến bay đến Việt Nam của du khách Ấn Độ đã “bùng nổ”, tăng tới 390%, bỏ xa các điểm đến khác trong khu vực là Indonesia (256%), Singapore (215%) và Thái Lan (147%).
Đáng chú ý, từ năm 2019 trở về trước, Việt Nam chưa từng xuất hiện trong danh sách những điểm đến được yêu thích của du khách Ấn Độ, Giám đốc điều hành Agoda Omri Morgenshtern cho biết.
4 năm kể từ sau đám cưới của cặp tỷ phú Rushang Shah và Kaabia Grewal, khi đại dịch Covid-19 cũng đã là quá khứ, Ấn Độ vươn lên trở thành thị trường khách quốc tế lớn thứ 9 của Việt Nam, với tổng cộng 392.000 lượt khách trong năm 2023, tăng gấp 2,3 lần so với 2019 – năm mà thị trường khách Ấn Độ chỉ đứng thứ 16.
Theo báo cáo “How India Travels 2023” của nền tảng Booking, trong top 10 điểm đến ở nước ngoài được du khách Ấn Độ đặt nhiều nhất có 5 thành phố mới lọt vào danh sách, bao gồm 2 cái tên của Việt Nam là TP. HCM và Hà Nội, lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và 8.
Bên cạnh đó, cũng ngày càng nhiều cặp đôi thượng lưu người Ấn lựa chọn Việt Nam là nơi diễn ra ngày trọng đại. Tháng 1/2023, cô dâu Tuisha Seksaria và chú rể Gaurav Palrecha cùng gia đình tỷ phú của họ đã mời đoàn khách 500 người lưu trú gần 1 tuần trong một resort ven biển Đà Nẵng, đem theo hơn 2 tấn nguyên vật liệu, trang phục, đạo cụ… để phục vụ lễ cưới.
Bà Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng – tháng trước cho biết trong vòng 2 năm qua, thành phố đã đón hơn 20 sự kiện cưới của các tỷ phú từ thị trường tỷ dân. Đầu năm 2024, dự kiến có 6 đám cưới cũng sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng.
Thấu hiểu du khách Ấn Độ mở ra con đường đa dạng hóa du lịch Việt
Các đám cưới của giới thượng lưu Ấn Độ thường được tổ chức dài ngày trong những resort sang trọng, thuê trọn toàn bộ hoặc một khu riêng biệt để ca hát nhảy múa. Số lượng khách lên tới vài trăm nên đòi hỏi số phòng đủ nhiều. Đoàn khách này cũng sẽ tận dụng cơ hội để đi du lịch tại địa phương, vui chơi và mua sắm, đem lại nguồn thu đáng kể.
Nhìn ra được tiềm năng lớn, nhiều khu nghỉ dưỡng đã chuẩn bị sẵn sàng để đón làn sóng du khách mới mẻ đến từ Nam Á này, trong đó có Nha Trang Marriott Resort & Spa, Hon Tre Island.
“Là khu nghỉ dưỡng lớn nhất của Marriott Bonvoy tại Việt Nam, chúng tôi cung cấp tới 403 phòng và 426 căn villa, đảm bảo nơi lưu trú cho lượng khách lớn. Đặc biệt, chúng tôi có 5 clubhouse riêng biệt dùng để phục vụ các nhóm khách ở mọi quy mô và loại sự kiện, bao gồm các đám cưới”, ông Paul De Jong - Giám đốc Sales và Marketing của Nha Trang Marriott Resort & Spa, Hon Tre Island cho hay.
Ông cho biết thêm rằng thực đơn của resort có thể điều chỉnh để mang lại những hương vị quen thuộc trong ẩm thực chay và lấy cảm hứng từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, những không gian cầu nguyện, liệu pháp spa và hoạt động giải trí đậm chất Ấn cũng có thể được chuẩn bị để đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Điều này xuất phát từ lưu ý cực kỳ quan trọng rằng cần tôn trọng chế độ ăn uống của người Ấn, đủ hiểu biết và nhạy cảm về tôn giáo.
Nhìn nhận chung về du khách Ấn Độ, ông Paul De Jong chỉ ra rằng họ yêu thích sự sôi động, những bãi biển ấn tượng và đôi khi là các địa điểm tôn giáo. Mức chi tiêu rất đa dạng, bao gồm cả những người nhạy cảm về giá lẫn những người sẵn sàng “thoáng tay” cho sản phẩm và dịch vụ xa xỉ. Vì vậy, việc cung cấp các dịch vụ linh hoạt trở nên quan trọng.
Theo số liệu Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 7/2023, Ấn Độ đã cán mốc 1,425 tỷ người và soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới của Trung Quốc. Không những đông dân, nhu cầu du lịch nước ngoài của người Ấn Độ đang tăng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Dữ liệu của Agoda cho thấy so với năm 2019, lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài từ hầu hết quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 tăng 30 - 60%, trong khi Ấn Độ tăng tới 225%. Lalitya Dhavala - chuyên gia từ công ty phân tích lữ hành Cirium nhận định ngành du lịch Ấn Độ phục hồi mạnh mẽ nhờ đà tăng trưởng kinh tế của nước này.
Còn theo ước tính của Booking, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia chi tiêu du lịch lớn thứ 4 toàn cầu vào năm 2030. Nước này có dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 27,6, cùng mức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ - bao gồm giải trí và thư giãn – được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2030.
Mọi số liệu trên đều cho thấy thị trường khách Ấn Độ còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Thêm vào đó, ông Paul De Jong chỉ ra rằng dòng khách này giúp đa dạng hóa ngành du lịch Việt Nam, mở ra những con đường trải nghiệm mới và đáp ứng những nhu cầu cụ thể.
“Thấu hiểu được những mong muốn của du khách Ấn có thể giúp phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới, chẳng hạn như trị liệu, thăm quan những điểm đến Phật giáo, hoặc du lịch đám cưới.
Làn sóng này hứa hẹn đem lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và văn hóa, nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị mang tính chiến lược để có thể khai thác được hết tiềm năng”, ông nhận định.