Quy định thu hồi đất tại dự thảo Luật tạo ra khoảng trống pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản không triển khai được
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội sáng 15/1, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, có thể thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, nhưng vẫn còn một số điều cần phải điều chỉnh, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất.
Dẫn Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, vị đại biểu nói rằng, Nghị quyết đã nhấn mạnh chủ yếu giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu.
Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 126 quy định "Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất", theo đại biểu, là rất phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 và cũng phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tuy nhiên hiện nay, trong dự thảo Luật chúng ta quy định quyền của Hội đồng nhân dân các địa phương là đưa ra các tiêu chí xem dự án nào phải đấu giá, đấu thầu, để điều tiết lợi ích địa tô và tạo môi trường cạnh tranh.
Khoản 27 Điều 79 về "Thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng" của dự thảo Luật quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án thực hiện đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
"Như vậy nếu thực hiện theo khoản 27 Điều 79 thì rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí, dẫn đến tình trạng có dự án không được đấu thầu; trong khi dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận. Vậy thì dự án ấy sẽ triển khai bằng cách nào?", vị đại biểu nêu vấn đề và cho rằng, quy định này sẽ là một khoảng trống của pháp lý khiến nhiều dự án không thể thực hiện được.
Từ đó, ông Cường đề nghị sửa khoản 27 Điều 79 là “các dự án sử dụng đất thuộc đối tượng phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Đề nghị bổ sung hình thức thu hồi đất để tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho người có đất bị thu hồi
Trước đó, phát biểu trên Hội trường sáng 15/1, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Điều 110 về các dự án hỗ trợ, tái định cư vì đã thể hiện khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo cho người dân có đất thu hồi có điều kiện chỗ ở và cuộc sống tốt hơn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu trên Hội trường sáng 15/1 |
Tuy nhiên, với điểm a khoản 2 Điều 110 là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phải đạt tiêu chuẩn là khu nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị, ông Cường cho rằng tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tối thiểu, bởi vì có thể có địa phương xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu vực nông thôn cao hơn khu vực nông thôn mới, đạt như là khu vực đô thị.
Từ đó, ông đề nghị bổ sung thêm hạ tầng kỹ thuật của khu vực tái định cư tối thiểu phải đạt được điều kiện là khu vực nông thôn mới đối với khu vực nông thôn và tối thiểu là khu đô thị đối với khu vực thành thị. "Như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo tạo điều kiện cho phát triển khu tái định cư tốt hơn", ông nói.
Đồng tình với quy định tại khoản 3 Điều 110 là địa điểm tái định cư lựa chọn phải theo thứ tự ưu tiên là trước hết tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi và sau đó mở rộng đến các địa bàn của quận, huyện, thị xã, thành phố và nếu không có nữa thì mở rộng đến các địa phương khác có điều kiện tương đồng, tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải bổ sung thêm một điểm là phải ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch là đất ở, có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn được lựa chọn để hình thành khu tái định cư.
Điều này, theo đại biểu để tránh tình trạng cùng địa bàn xã đó khu đất được quy hoạch đất ở rồi nhưng thuận lợi thì thường nhiều địa phương lại giành để đấu giá, tái định cư đẩy sang một vị trí khác, cũng chung địa bàn nhưng không thuận lợi.
"Đây là một bài học, tôi thấy dự án tái định cư đường vành đai 4 của Hà Nội đang lựa chọn địa điểm là khu đất có điều kiện thuận lợi để tái định cư nên người dân rất đồng tình. Tôi đề nghị bổ sung thêm một tiêu chí này vào khoản 3 Điều 110", ông Cường đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đánh giá cao quy định tại khoản 4 Điều 91 "Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập ổn định đời sống và sản xuất".
Quy định này cho thấy chúng ta không bỏ rơi những người có đất được thu hồi, không mặc kệ họ có việc làm hay không.
Ông cho rằng, phương án tốt nhất để giúp người ta có việc làm là phải tạo ra sinh kế chứ không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền. Nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất, kinh doanh thì phải bố trí quỹ đất phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh để tạo cơ hội làm việc cho họ.
Nếu thu hồi đất nông nghiệp, người dân không có khả năng chuyển đổi vào khu công nghiệp, khu đô thị thì phải dành một quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân.
"Hiện nay, quy định mới chỉ có thu hồi đất, tạo khu định cư, chưa có khu đất tạo điều kiện xuất, kinh doanh. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung vào khoản 21 của Điều 79 thêm một nội dung là "Thu hồi đất để tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho người có đất bị thu hồi"", vị đại biểu đề nghị.