Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng cuối ngày hôm nay ở mức 76,5 triệu đồng/lượng, giá mua vào ở mức 74 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty PNJ, giá bán vàng miếng SJC cũng giảm về mức 76,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá mua nhỉnh hơn 300.000 đồng/lượng, ở mức 74,3 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, trong lúc giá vàng miếng SJC đảo chiều do người dân tranh thủ lúc giá cao và chênh lệch giữa giá mua - bán vàng thu hẹp còn từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/lượng (thay vì 3 triệu đồng/lượng như trước), giá vàng 9999 tiếp tục đi lên theo đà tăng của giá vàng thế giới.
Giá vàng 9999 tại Công ty SJC bán ra cuối ngày hôm nay cũng tăng thêm lên mức 64,05 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá mua vào cũng tăng tương ứng, lên mức 62,9 triệu đồng/lượng.
Công ty PNJ cũng niêm yết giá mua bán vàng nhẫn 9999 với mức giá tương tự.
Với mức 2.053,4 USD/ounce tối nay, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 61 triệu đồng/lượng.
Như vậy so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn đến 15,5 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng 9999 cao hơn 3,05 triệu đồng/lượng.
Giới phân tích nhận định giá vàng thế giới vẫn đang được hỗ trợ bởi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông và khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất.
Tuần vừa qua, liên quân Anh - Mỹ đã không kích các mục tiêu phiến quân Houthi ở Yemen. Trong khi đó, cuộc chiến tranh ở Dải Gaza giữa Israel và Palestine vẫn chưa có hồi kết dù đã 100 ngày trôi qua.
Thêm vào đó, sau khi các số liệu được công bố, khả năng Fed hạ lãi suất ít nhất 0,25% vào tháng 3 tới càng trở nên rõ ràng hơn. Chính yếu tố này đã đẩy giá vàng thế giới tăng trở lại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong ngắn hạn sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ. Chưa kể nếu thời gian chờ đợi Fed giảm lãi suất lâu hơn, có thể khiến nhà đầu tư vàng thất vọng và bán tháo trong ngắn hạn.
Từ trên mức 2.045 USD/ounce, giá vàng thế giới đã bất ngờ đảo chiều, rơi xuống mức 2.019,3 USD/ounce lúc 21h hôm nay, 8-1, tương đương mức giảm 27 USD/ounce.