Hơn ba tháng, xung đột giữa Israel với hai nhóm vũ trang Hamas (Dải Gaza, Palestine) và Hezbollah (Lebanon) vẫn đang hết sức quyết liệt. Các nhóm dân quân ở Iraq và Syria tấn công hàng chục cuộc nhắm vào các vị trí quân sự của Mỹ ở những nước này.
Tuần rồi Trung Đông chứng kiến thêm diễn biến cực nóng. Mỹ và Anh với sự hỗ trợ hậu cần của nhiều đồng minh không kích vào hàng chục mục tiêu của nhóm vũ trang Houthis ở Yemen, đáp trả việc nhóm này tấn công tàu di chuyển trên Biển Đỏ.
Lưu ý, cả Hamas, Hezbollah, Houthis, các lực lượng dân quân ở Iraq và Syria nói trên đều là các nhóm ủy nhiệm được Iran bảo trợ, được xem là “trục kháng chiến” của Iran trong khu vực. Với những diễn biến ngày càng nóng ở Trung Đông thì nhân tố Iran và các động thái từ nước này rất được chú ý quan sát.
Iran vẫn đang “chừng mực”
Có thể thấy trong hơn ba tháng Israel đánh Hamas, Hezbollah và các nhóm dân quân thân Iran ở Syria, Iran vẫn kiềm chế chưa có động thái nóng. Vụ Mỹ tấn công Houthis, ngày 12-1, Bộ Ngoại giao Iran “lên án mạnh các cuộc tấn công quân sự do Mỹ và Anh thực hiện nhắm vào một số TP ở Yemen”. Theo Iran, “những cuộc tấn công này rõ ràng là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen cũng như vi phạm luật pháp quốc tế”. Ngoài tuyên bố phản đối này, Iran chưa đi bước quyết liệt.
Iran muốn duy trì vị thế trong khu vực nhưng không muốn bị cuốn trực tiếp vào cuộc xung đột toàn diện.
Dù thế, theo tờ Washington Post, Mỹ phải cân nhắc rất kỹ nhân tố Iran. Trả lời phỏng vấn độc quyền tờ Newsweek tuần rồi, Đại sứ Amir Saeid Iravani, đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc, cảnh báo “bất kỳ quốc gia nào tham gia vào cuộc xâm lược quân sự này hoặc các hành động thù địch sau đó đều có thể gặp nguy hiểm tiềm tàng”.
Theo Washington Post, việc Mỹ có “phản ứng được điều chỉnh cẩn thận trước hành động gây hấn của Houthis là hợp lý” nhưng Tổng thống Joe Biden nên đảm bảo rằng phản ứng này không vượt khỏi tầm kiểm soát, vì một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn sẽ là thảm họa.
Giới quan sát cũng lo ngại chuyện sẽ phức tạp, đặc biệt khi Tổng thống Biden cuối tuần rồi lên tiếng dằn mặt thẳng rằng việc Mỹ tấn công Houthis là thông điệp cảnh cáo Iran.
Những diễn biến ăn miếng trả miếng hiện tại vẫn ở dưới ngưỡng một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện - CNN.
Viễn cảnh thế nào?
Iran hiện vẫn tích cực ủng hộ mạng lưới đồng minh từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh được gọi là “trục kháng chiến”, song hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin Iran cho biết nước này không muốn trực tiếp tham gia vào xung đột.
Trường hợp Houthis, theo một quan chức cấp cao của Iran, “Houthis tự đưa ra quyết định, chúng tôi ủng hộ nhưng Tehran không muốn một cuộc chiến toàn diện trong khu vực”.
Trường hợp Hamas, sau khi Hamas tấn công Israel và xung đột bùng phát rộng ở Dải Gaza, Iran “đã lùi lại một bước” khi vẫn khẳng định ủng hộ chính nghĩa của người Palestine nhưng loại trừ việc mở rộng cuộc chiến thay mặt cho Hamas.
Theo ông Ali Vaez, nhà phân tích cấp cao về Iran tại tổ chức phi lợi chuận International Crisis Group (Bỉ), “Iran khó có thể trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chừng nào nước này chưa bị nhắm trực tiếp vào lãnh thổ của mình”.
Nhà phân tích Gregory Brew tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) cùng quan điểm rằng Iran sẽ cảnh giác với việc mở rộng xung đột vì không muốn “trực tiếp hứng chịu nguy cơ bị trả đũa”. Theo ông Brew, “khả năng sẽ có phản ứng từ các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở khu vực nhưng việc Iran leo thang mạnh để đáp trả những cuộc tấn công này (của liên quân Mỹ dẫn đầu) là khó xảy ra”.
Nói cách khác, Iran đang cố gắng duy trì vị thế trong khu vực nhưng không muốn bị cuốn trực tiếp vào cuộc xung đột toàn diện.
Về phía Mỹ, chính quyền ông Biden hiểu được điều này. Tại Washinton, có ý kiến cứng rắn rằng phải leo thang quân sự, chính quyền ông Biden hiểu rằng làm như vậy có thể giúp củng cố sự lãnh đạo của Tehran. Iran có thể không dễ vượt qua một cuộc tấn công toàn diện từ Mỹ và các đồng minh nhưng nước này có cơ hội với một cuộc chiến ủy nhiệm rộng hơn, thậm chí thu lợi từ nó. Còn đối với Mỹ, để giành chiến thắng dứt khoát trong một cuộc chiến như vậy sẽ phải trả giá đắt về mặt quân sự, ngoại giao, kinh tế và chính quyền ông Biden không có ý định lôi kéo nước này vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông.•
Chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza mới ngăn được xung đột khu vực
Xung đột lan rộng khu vực vẫn là viễn cảnh gây lo ngại. Nhiều nhà quan sát cho rằng nguy cơ này liên quan đến diễn biến xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza, đóng góp giải pháp để ngăn chặn viễn cảnh này.
Theo ông Ali Vaez - nhà phân tích cấp cao về Iran tại tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group (Bỉ), “hoàn toàn có thể thấy trước rằng cuộc chiến ở Dải Gaza càng kéo dài thì nguy cơ leo thang và xung đột trong khu vực càng cao”.
Về giải pháp, theo chuyên gia Hassan El-Tayyab về chính sách Trung Đông tại Friends Committee on National Legislation (tạm dịch là Ủy ban Bạn bè về pháp luật quốc gia - tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái trụ sở ở Mỹ), “đầu tiên hãy ngừng bắn ở Dải Gaza ngay và sau đó hợp tác ngoại giao để giải quyết những vấn đề khác”. Bởi theo ông, “chiến tranh không phải là câu trả lời”.
Phỏng vấn Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Iravani, Newsweek đặt câu hỏi liệu hành động quân sự của Mỹ và Anh có cải thiện tình hình an ninh cho vận tải thương mại ở Biển Đỏ và ở Trung Đông không. Trả lời, ông Iravani nhắc “câu tục ngữ khôn ngoan khẳng định rằng người ta không thể rửa sạch máu bằng máu”. Theo vị đại sứ Iran, điều thiết yếu là phải nhận thức được Biển Đỏ mất an toàn từ khi nào và những yếu tố nào góp phần đưa tới điều này, đó là cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza. Những lo ngại về an toàn xung quanh Biển Đỏ có mối liên hệ mật thiết với những diễn biến ở Dải Gaza.