Thanh Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) dự kiến Tết này không sắm quần áo mới và không làm tóc để dồn tiền cho các khoản cần thiết hơn. Công ty bất động sản nơi Huyền đang làm marketing năm nay không có lương tháng 13 cũng như thưởng Tết. Để gói gọn chi tiêu Tết trong 20 triệu đồng, Huyền cũng dự định giảm bớt lì xì cho họ hàng và tự chuẩn bị quà biếu như mứt dừa, ô mai, thay vì hoa quả nhập hay rượu vang đắt tiền như mọi năm.
"Tôi đã lên sẵn danh sách đồ cần mua trên một sàn thương mại điện tử. Trong các đợt sale cuối năm sẽ có nhiều voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển. Giá sẽ giảm đáng kể", Thanh Huyền cho biết.
Huyền không phải người tiêu dùng duy nhất chọn cách chi tiêu này.
Mọi năm, từ giữa tháng 11, ông Sơn, chủ một doanh nghiệp du lịch nhỏ tại Hà Nội, thường đặt nhà vườn tại Nhật Tân giữ trước chậu hoa đào có giá cả chục triệu đồng để chuyển sớm vào Đà Nẵng, Sài Gòn tặng đối tác. Nhưng năm nay, công ty giảm ngân sách này do doanh thu sụt mạnh. "Cuối năm là dịp để gặp gỡ, cảm ơn đối tác nên chúng tôi vẫn chuẩn bị quà, nhưng phải thay bằng các túi quà tết với giá trị phù hợp hơn", ông chia sẻ.
Một khảo sát xu hướng do Cốc Cốc hồi tháng 11 cho thấy, 20,8% người dùng bi quan về tình hình tài chính của gia đình. 46% nói sẽ chi tiêu ít hơn trong 12 tháng tới cho giải trí bên ngoài, 43% bớt ăn ngoài, 37% giảm sắm quần áo thời trang, 33% bớt chi cho thiết bị gia dụng, 13% sẽ mua ít thực phẩm hơn.
Kinh tế khó khăn khiến nhiều người tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm và thu nhập. Khảo sát của Kantar Việt Nam chỉ ra rằng, 28% hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính trong năm qua, tăng khoảng 7% so với giai đoạn bình thường mới sau Covid-19.
Dù chưa từng tiếp cận các kết quả khảo sát trên, ông Thuấn, chủ một nhà vườn trồng hoa tại vùng ven Hà Nội, cũng đã dự cảm Tết này người dân thắt chặt hầu bao do kinh tế khó khăn. Vụ Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông trồng 2 sào hoa các loại thay vì 5-6 sào như mọi năm. "Mỗi sào trồng hoa cúc ước tính cũng 10 triệu đồng, năm nay chỉ cần thu lại vốn và lãi chút đỉnh thôi", ông nói.
Các nhà vườn trên cả nước cũng đang có xu hướng giảm diện tích và hạn chế sản lượng hoa do lo ngại nhu cầu mua sắm dịp cuối năm không như kỳ vọng. Như vùng trồng hoa cúc nổi tiếng Ninh Giang (Khánh Hòa) dự kiến đưa ra thị trường Tết 2024 khoảng 40.000 chậu hoa cúc, giảm khoảng 5.000 chậu so với vụ năm ngoái, theo đại diện hội nông dân tại đây. Số hộ trồng hoa của vùng này tiếp tục giảm 10% so với năm trước, còn chưa đến 100 hộ.
Không chỉ các hộ nông dân nhỏ lẻ, nhiều "ông lớn" trong ngành bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng do sức mua thị trường yếu.
Hai tháng 10 và 11, các chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và TopZone đóng gần 150 cửa hàng, con số cao nhất từ trước đến nay. Đến hết tháng 11, doanh nghiệp sở hữu những chuỗi cửa hàng này cũng đánh mất 13% doanh thu so với cùng kỳ. Theo kế hoạch, họ có thể đóng tổng cộng 200 cửa hàng trong ba tháng cuối năm.
Ngành hàng F&B cũng sụt giảm mạnh. Theo kết quả khảo sát hồi tháng 9/2023 của Vietnam Report, từ năm 2022 đến 2023, 33,3% doanh nghiệp ngành này giảm doanh thu; 41,7% doanh nghiệp giảm lợi nhuận. Còn theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong hơn 26.000 thương hiệu ở Việt Nam, 60% đang trên đà suy giảm sản lượng.
Cùng với thu nhập sụt giảm, nhiều người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng và dần thắt chặt chi tiêu với nhiều mặt hàng quen thuộc. Hãng nghiên cứu thị trường VIRAC dự báo xu hướng tiêu dùng chuyển đổi sang những sản phẩm có tính ứng dụng. Mùa Trung thu vừa qua ghi nhận sự thay đổi này rõ ràng nhất. Thời điểm đó, người tiêu dùng chi tiêu một cách khá cầm chừng, chỉ mua sắm những sản phẩm thực sự cần thiết và có sự so sánh, cân nhắc giá cả.
Khi người tiêu dùng cắt giảm mức chi tiêu, hạn chế mua hàng hơn trước, doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng phải xoay chiến lược kinh doanh. Ông Thuấn, chủ nhà vườn ở Ninh Giang, Khánh Hòa cũng chủ động chọn các loại hoa bình dân, quen thuộc với người tiêu dùng như cúc vạn thọ, sống đời, hướng dương...
Một nhà hàng bán đồ Tây trên tuyến phố sầm uất tại Hà Đông tuần trước đã trả mặt bằng, chuyển địa điểm vào một căn liền kề ở bên kia đường với diện tích nhỏ hơn.
"Mặt bằng cũ là căn biệt thự 2 tầng nhưng thường chỉ lấp đầy tầng 1 vào các tối cuối tuần", ông Tâm, chủ nhà hàng nói. Theo ông, hiện chi phí thuê mặt bằng chỉ còn 50 triệu đồng mỗi tháng, giảm một nửa trong khi tiền công trả cho nhân viên phục vụ còn 70% so với trước.
Cùng với đó, nguồn ngân sách dành cho chi phí khuyến mại cũng được các doanh nghiệp dồn lực cho mùa vàng cuối năm. Khảo sát cho thấy, hiện các đơn vị lớn như MM Market, Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... đã và đang liên tục công bố những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả ngành hàng.
Để tiếp cận khách hàng hiệu quả, Cốc Cốc cho rằng, các nhà bán lẻ cần tập trung vào trải nghiệm khách hàng như quay về với giá trị cốt lõi là đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả nhu cầu thiết thực của khách hàng. Đây chính là chìa khóa để doanh nghiệp cạnh tranh với các đối thủ, xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Đơn vị này cũng lưu ý các nhà bán lẻ nên cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ và tự động hóa. Bởi, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu suất. Đồng thời, lựa chọn các kênh quảng cáo trực tuyến sẽ có nhiều ưu thế trong bối cảnh tiêu dùng hiện đại, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm, tra cứu và tham khảo khi phát sinh nhu cầu mua sắm.
Phương Dung