Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Tăng trưởng kinh tế khá, với mức tăng 7,24%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước.
* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong năm 2023?
- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách gần 4.133 tỉ đồng, vượt 13,2% dự toán. Hiện tỉnh có tám dự án điện gió với tổng công suất gần 470MW đang hoạt động ổn định, đứng thứ ba cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên...
Đặc biệt trong năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để tỉnh xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương, là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
* Vậy thưa ông, năm 2024, Bạc Liêu sẽ có những bứt phá thế nào để tiếp tục duy trì trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long?
- Theo định hướng đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp hiện đại, phát triển cân bằng và bền vững, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam, trục hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trước mắt, mục tiêu của năm "tăng tốc" 2024 là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Vì vậy, tỉnh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời với đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
* Được biết năm 2024 tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival muối Bạc Liêu. Như ông đã từng nói "muối Bạc Liêu rất nổi tiếng nhưng người làm muối Bạc Liêu chưa làm giàu từ nghề muối", vậy tỉnh kỳ vọng gì qua sự kiện này?
- Nghề muối Bạc Liêu đã trải qua hơn 100 năm phát triển, là nghề thủ công truyền thống và được truyền qua nhiều thế hệ. Bạc Liêu rất vinh dự là tỉnh đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn tổ chức Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024. Đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa không chỉ đối với ngành muối Bạc Liêu mà còn góp phần nâng tầm giá trị ngành muối Việt Nam.
Chúng tôi kỳ vọng sự kiện sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực như: ngành muối được quan tâm, đầu tư hơn, và tương lai sẽ trở thành ngành sản xuất quan trọng trong nông nghiệp; là cơ hội để diêm dân, nhà khoa học, doanh nghiệp gặp gỡ, liên kết và tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng hạt muối; có thêm nhiều giải pháp, nhiều mô hình hoạt động sản xuất muối để giúp phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của hạt muối Việt nói chung, muối Bạc Liêu nói riêng.
Đặc biệt, tỉnh mong muốn qua sự kiện này, đời sống diêm dân Bạc Liêu ngày càng khá lên, có được cuộc sống sung túc, ấm no và kỳ vọng diêm dân sẽ làm giàu từ nghề sản xuất muối.