Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. Đây được coi là sự kiện kinh tế tài chính đáng chú ý nhất của tuần này.
Triển vọng tăng trưởng thấp và bất ổn trong năm 2024
Theo một cuộc khảo sát thực hiện trước thềm sự kiện, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với một năm 2024 có triển vọng tăng trưởng thấp và bất ổn.
Nguyên nhân cho sự thiếu ổn định này xuất phát từ xung đột địa chính trị, điều kiện tài chính bị thắt chặt và tác động đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI).
Khảo sát công bố ngày 15/1 cho thấy, khoảng 56% số người được hỏi dự đoán điều kiện kinh tế toàn cầu nói chung sẽ yếu đi trong năm 2024 và mức độ phân hóa cao theo từng khu vực. Đa số các nhà kinh tế có chung nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức vừa phải hoặc mạnh lên ở một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới như Trung Quốc và Mỹ. Đồng thời, phần đông nhất trí rằng kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng yếu, thậm chí là rất yếu.
Tuy nhiên, điểm sáng nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Triển vọng kinh tế của các nước Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương sẽ có màu sắc tích cực hơn, với nhiều ý kiến kỳ vọng tăng trưởng ở các khu vực này ít nhất nằm ở mức vừa phải trong năm 2024.
AI trở thành đề tài đáng chú ý
Trong 5 ngày diễn ra, nhiều chủ đề lớn được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 và trong số đó, trí tuệ nhân tạo (AI), với những bước phát triển vũ bão hiện nay, chắc chắn là một đề tài không thể bỏ qua.
Tại diễn đàn năm nay, AI hứa hẹn sẽ là một chủ đề nóng khi mà nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này có mặt tại hội nghị như CEO Sam Altman của OpenAI, hay Satya Nadella của Microsoft. Những bước phát triển mạnh mẽ từ sau cơn sốt của ứng dụng ChatGPT đang giúp "đánh thức" những sự quan tâm với AI từ công chúng và các nhà quản lý.
Ông Aiden Gomez - Giám đốc điều hành công ty trí tuệ nhân tạo Cohere - cho rằng: "Năm 2023, mọi người đã được trải nghiệm AI thế hệ mới nhất, và người tiêu dùng thật sự bị hấp dẫn với chúng. AI đã giúp tạo ra nhiều trải nghiệm hiệu quả, và khiến cho mọi người phải đặt lại câu hỏi, đó là chúng ta phải làm thế nào để áp dụng chúng, nhằm thay đổi cách làm việc của mình".
Nhưng không chỉ có tiềm năng, vấn đề quản lý AI từ góc độ pháp lý và kĩ thuật cũng đang được đặt ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi mà người tiêu dùng cũng phải đối diện với nhiều rủi ro hơn từ AI như nguy cơ thông tin sai lệch hay khả năng việc làm bị thay thế bởi AI.
Ông Richard Edelman từ Công ty quan hệ công chúng Edelman cho biết: "Một phát hiện quan trọng từ khảo sát lòng tin của chúng tôi, đó là có tới 2/3 người tham gia khảo sát cho rằng AI và các phương thức đổi mới sáng tạo đang được quản lý kém hơn kỳ vọng. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay chính là nguy cơ mất việc làm".
Dù vậy, các chuyên gia tại diễn đàn vẫn bày tỏ kỳ vọng lạc quan rằng, đây sẽ là nơi đưa ra nhiều thảo luận nghiêm túc, giúp thế giới tìm ra các biện pháp hiệu quả để đưa AI tiếp cận gần với đời sống tương lai một cách chủ động và an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.85770519161104202-hneb-pab-man-tom-tam-iod-ioig-eht-et-hnik/et-hnik/nv.vtv