Công ty Cổ phần Cà phê PETEC (UPCoM: PCF) vừa công bố cáo tài chính quý IV/2023 với số lỗ cải thiện so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu sụt giảm. Cụ thể, quý này, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 34,4 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán nên lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 47% lên 2,8 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Cà phê PETEC sụt giảm mạnh từ 2,6 tỷ đồng xuống còn 227 triệu đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm 97 triệu đồng. Tuy nhiên, cụ thể về các khoản chi phí chưa được công bố cụ thể.
Bên cạnh đó, phí quản lý doanh nghiệp cũng tiết giảm chỉ còn 1,2 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng phát sinh thêm 40% lên 1,9 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Cà phê PETEC lỗ 569 triệu đồng, giảm đáng kể so với số lỗ 2,7 tỷ đồng so với quý IV/2022.
Lũy kế năm 2023, doanh thu của Cà phê PETEC đạt 204 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Dù doanh thu giảm nhưng nhờ tiết giảm giá vốn và chi phí tài chính nên sau khi trừ các chi phí, công ty có lãi 206 triệu đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 2,1 tỷ đồng vào năm 2022.
Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2017, Cà phê PETEC kinh doanh không mấy khả quan, với nhiều năm thua lỗ hoặc báo lãi mỏng dính. Hệ quả là tính đến ngày 31/12/2023, công ty đang lỗ lũy kế hơn 23,3 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính của công ty, tính đến cuối tháng 12/2023, tổng tài sản của Cà phê PETEC đạt gần 34,9 tỷ đồng, giảm 41% so với đầu kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do hàng tồn kho của công ty “bốc hơi" tới 88%, còn hơn 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền lại có sự cải thiện đáng kể, tăng gần 25 lần từ 332 triệu đồng lên 8,28 tỷ đồng. Chủ yếu là do công ty ghi nhận thêm các khoản tương đương tiền trị giá 5,4 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận.
Tại ngày 31/12/2023, dư nợ của Cà phê PETEC ở mức 13,6 tỷ đồng giảm 65% so với số đầu kỳ. Kết quả là nhờ việc công ty giảm vay nợ thuê tài chính ngắn hạn từ 22 tỷ đồng xuống còn 2 tỷ đồng, tương đương giảm 10 lần.
Thông tin từ Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, diện tích cà phê nước ta đang bị thu hẹp tại nhiều vùng trồng trọng điểm, trong niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống ở mức khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn, so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022/2023. Hiện Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê, nhưng là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới.
Trên thị trường, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 8 -14/1, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp ngập tràn trong sắc xanh. Dẫn đầu là mức tăng 5,15% của giá cà phê Robusta, duy trì ở vùng giá cao nhất trong 28 năm qua.
Giá cà phê nội địa đang duy trì mức cao vào đầu vụ do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI. Trước thực trạng này, nhiều dự báo cho thấy, từ nay đến hết tháng 4/2024 (khi Indonesia vào vụ mới), tình trạng nguồn cung khan hiếm vẫn diễn ra, khiến giá cà phê nội địa của Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024.