Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters đề xuất rằng hệ Mặt Trời có thể có tận 9 hành tinh đá, chứ không chỉ 4 cái như đã biết.
Trái Đất là một hành tinh đá điển hình. Ba hành tinh đá quen thuộc còn lại là Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, với kết cấu chủ yếu là đá chứ không phải lớp khí dày đặc như nhóm hành tinh khí bao gồm Sao Mộc, Sao Thổ...
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Amir Siraj, Giám đốc chương trình Nghiên cứu vật thể giữa các vì sao tại Đại học Princeton (Mỹ) cho rằng 5 hành tinh đá khác đang ẩn nấp ở ngoài rìa hệ Mặt Trời.
Theo Live Science, khác với địa cầu và các "bạn bè" đã biết, các thế giới này không sinh ra từ đĩa tiền hành tinh của hệ Mặt Trời, mà là dạng hành tinh trôi nổi tự do (FFP).
Có rất nhiều FFP được chứng minh là tồn tại trong không gian giữa các vì sao, với nguồn gốc còn bí ẩn. Có giả thuyết cho rằng chúng trực tiếp sinh ra từ khí bụi như các ngôi sao. Giả thuyết khác lập luận rằng chúng bị văng ra từ các hệ sao sau các vụ va chạm thảm khốc.
Khoảng 2-5 FFP có thể đã bị Thái Dương hệ "bắt cóc" từ thuở sơ khai, nghiên cứu của Đại học Princeton chỉ ra thông qua 100 triệu mô phỏng khác nhau.
Chúng cùng loại với Trái Đất nhưng nhỏ hơn một chút, với kích cỡ khoảng Sao Thủy đến Sao Hỏa.
Và chúng bị mắc kẹt lại trong Đám mây Oort, một cấu trúc vĩ đại ở ngoài rìa hệ Mặt Trời, nơi có vô số tiểu hành tinh và sao chổi lạnh giá.
Đám mây Oort tuy vẫn gắn liền với hệ Mặt Trời nhưng thực ra nằm bên ngoài nhật quyển, tức "ngoài tầm khống chế" của các cơn gió plasma từ Mặt Trời, nên cũng có thể xem như các hành tinh giả thuyết này chỉ là thứ "gắn hờ" lên phần rìa ngoài của Thái Dương hệ.
Chúng có thể cách chúng ta tận 1.400 đơn vị thiên văn (AU). Một AU bằng với khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất.
Đây không phải lần đầu giả thuyết "hành tinh bị bắt cóc" được đưa ra và chứng minh, nhưng là lần đầu nó được gán vào Thái Dương hệ.
Đặc biệt hơn, các hành tinh đã này được cho là độc lập với "hành tinh X", một thế giới giả thuyết nằm ở vùng không gian bên ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương, được cho là to lớn hơn Trái Đất rất nhiều và có thể mất 10.000-20.000 năm mới quay hết 1 vòng.
Thế giới mang tên X bí ẩn này được chỉ ra thông qua các bằng chứng gián tiếp về cách nó tương tác với môi trường xung quanh, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa có bằng chứng trực tiếp.
Xem thêm: nhc.271834311711042881-tad-iart-gnoig-nag-hnit-hnah-5-meht-oc-iort-tam-eh-cos/nv.fefac