Kết phiên ngày 17-1, VN-Index đóng cửa tại vùng 1.162,53, giảm 0,59 điểm, tương đương 0,05%. Trong khi trước đó sắc xanh được duy trì từ lúc mở cửa đến đầu phiên chiều.
Dòng tiền tích cực hơn
Điểm tích cực phiên hôm nay là thanh khoản cải thiện, cả 3 sàn đạt hơn 17.000 tỉ đồng, tăng 14% so với phiên trước.
Quan sát thấy dòng tiền vào mạnh mẽ từ đầu phiên. Thanh khoản khớp lệnh riêng phiên sáng đạt gần 8.500 tỉ đồng, gấp 1,7 lần so với phiên sáng qua. Nhóm ngành thu hút tốt là chứng khoán, ngân hàng.
Chuyên gia Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết đến đầu phiên chiều, thị trường xuất hiện lực bán chốt lời ngắn hạn nhưng áp lực cũng không quá lớn, nên chỉ số chung vẫn giữ được sự ổn định.
Mặc dù vậy, đến gần cuối phiên chiều thì áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh mẽ hơn và khiến thị trường đảo chiều giảm nhẹ dưới tham chiếu.
Phía khối ngoại hôm nay cũng mua ròng tốt từ đầu ngày, dù tới đầu phiên chiều khối ngoại có bán ròng nhiều hơn nhưng thanh khoản mua đã nhanh chóng gia tăng trở lại về cuối phiên. Tổng cả phiên khối ngoại mua ròng với giá trị đạt gần 133 tỉ đồng.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn duy trì tỉ trọng chứng khoán, hạn chế mua đuổi khi thị trường chưa cho tín hiệu vượt đỉnh thuyết phục và nên chủ động lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn nếu thị trường bất ngờ xuất hiện lực bán mạnh trở lại.
Còn theo chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường sẽ tiếp tục thử thách vùng cản 1.160 - 1.170 điểm. Tuy nhiên, với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, có khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục duy trì và tạo động lực hỗ trợ cho thị trường.
Nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng cản để đánh giá trạng thái thị trường. Tuy nhiên, hiện tại có thể cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để mua tích lũy với kỳ vọng tăng giá ngắn hạn, VDSC khuyến nghị.
Thanh khoản chứng khoán năm nay ra sao?
Theo thống kê của WiGroup, tỉ lệ thanh khoản trung bình trên vốn hóa của năm 2023 duy trì tỉ lệ 0,30%, xấp xỉ năm 2022. Giá trị thanh khoản trung bình cho năm 2023 là khoảng 17.000 tỉ đồng/phiên.
Trước bối cảnh sự phục hồi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra chậm, chuyên gia WiGroup dự báo tỉ lệ giao dịch trên vốn hóa sẽ tiếp tục vào khoảng 0,25%-0,30%. Với mức vốn hóa 2024 tăng trưởng 10%, thanh khoản dự báo vào khoảng 14.000-16.000 tỉ đồng/phiên.
Cũng theo WiGroup, cổ phiếu của các nhóm ngành được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công có thể lan tỏa tích cực cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và các ngành hàng liên quan.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 lên đến 15%, đơn vị này dự báo thị trường chứng khoán có thể được hỗ trợ bởi dòng tiền trong ngắn hạn.
Phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần mới không giữ được sự hưng phấn, mà phần nào đã suy yếu, thanh khoản ghi nhận sụt giảm.