Big4 ngân hàng lại hạ thêm lãi suất tiền gửi
BIDV, VietinBank và Agribank vừa tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn. Vietcombank hạ trước đó.
Cụ thể, Agribank giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng xuống chỉ còn 1,8%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng áp dụng lãi suất 2,1%/năm. Với kỳ hạn 12-18 tháng, Agribank để lãi suất 5%.
Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng chỉ còn 1,9%/năm. Trong khi kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 2,2%/năm. Kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng áp dụng mức 3,2%/năm. Kỳ hạn 12 tháng - dưới 24 tháng, lãi suất tương đương với Agribank, 5%.
BIDV cũng giảm 0,3 điểm phần trăm các kỳ hạn tiền gửi 1-11 tháng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 1,9%/năm; từ 3-5 tháng là 2,2%; trong khi từ 6-9 tháng là 3,2%/năm; từ 12-18 tháng là 5%. Nếu gửi 24 tháng tại BIDV, khách hàng sẽ nhận mức lãi suất 5,3%.
Trước đó, một ngân hàng trong nhóm Big4 là Vietcombank đã hạ lãi suất tiền gửi một loạt kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tiền gửi 1-2 tháng chỉ áp dụng mức 1,7%. Từ 12-60 tháng, Vietcombank chỉ áp dụng cùng mức 4,7%/năm.
Năm 2023 xuất khẩu ớt tăng hơn 100%, thu về 20 triệu USD
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), năm qua xuất khẩu ớt đạt 20 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ 2022. Riêng trong tháng 12-2023 thu về hơn 1,4 triệu USD.
Về thị trường, Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính của ớt Việt Nam. Trung Quốc đạt hơn 8.600 tấn, Lào 1.100 tấn, chiếm lần lượt 85% và 10,9% thị phần.
Hai năm trở lại đây, Việt Nam được xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc giúp kim ngạch quả này tăng vọt. Giá ớt bán ra cũng tốt hơn nhiều so với năm 2022, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định. Hiện nay giá ớt tại vườn ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, riêng ớt "tuyển" để xuất khẩu có mức cao nhất là 65.000 đồng/kg.
Khan mặt bằng cho "đại gia" hàng hiệu thuê
Trong báo cáo thị trường quý 4-2023 vừa công bố, Savills Việt Nam cho biết giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội cải thiện trong quý cuối năm.
Trong đó, giá thuê gộp tầng trệt tăng 3% theo quý và 15% theo năm, đạt 1,16 triệu đồng/m2/tháng. Riêng giá thuê tầng trệt tại khu trung tâm đạt 3,2 triệu đồng/m2/tháng, cao hơn 79% so với khu vực ngoài trung tâm. Công suất thuê tăng 2 điểm % theo quý nhưng lại giảm 3 điểm % theo năm xuống còn 88%.
Theo Savills, lợi nhuận của các nhà phân phối hàng xa xỉ của Việt Nam đạt 3.800 tỉ đồng năm 2022, tăng 270% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị thị trường bán lẻ cao cấp tại Việt Nam đạt 957 triệu USD, với tăng trưởng hằng năm được dự báo ở mức 3,2% đến năm 2028.
Tuy nhiên, không gian bán lẻ phù hợp cho các thương hiệu cao cấp đang khan hiếm và nguồn cầu đang vượt quá nguồn cung, Savills cho biết.
Báo cáo cũng chỉ ra nguồn cung bán lẻ cao cấp từ nay đến năm 2025 sẽ chủ yếu đến từ các dự án như The Grand Hà Nội, Fairmont Hotel và Four Seasons. Một số dự án cũng sẽ được cải tạo và tái định vị thương hiệu để phục vụ bán lẻ cao cấp, trong đó có Opera Business Center (Lý Thái Tổ), MGallery (Hotel de L'opera) và Waldorf (hiện là khách sạn Hilton).
Khảo sát gần 20 mặt bằng tại đường Lê Lợi (quận 1), phần lớn giá rao cho thuê các căn nhà đều ở giá trên 200 triệu đồng/tháng, thậm chí có căn rao cho thuê đến 600 triệu đồng/tháng. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, số lượng mặt bằng cho thuê mới tại con đường này không thay đổi nhiều.
Sáng nay bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội
Sáng nay 18-1, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV. Kỳ họp bất thường lần này diễn ra trong 2,5 ngày. Theo chương trình dự kiến, tại phiên bế mạc Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Cùng với đó, xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Xem xét biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5. Sáng cùng ngày, Tổng thư ký Quốc hội sẽ họp báo để thông tin về kết quả kỳ họp.
Đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm khai thác đạt khoảng 45 - 50 triệu tấn/năm
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Trong giai đoạn tới, ngành đề ra mục tiêu tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có. Đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước.
Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than bể than Đông Bắc, hoàn thành công tác thăm dò đến đáy tầng than bể than An Châu, xác minh và nâng cấp trữ lượng than đảm bảo đủ độ tin cậy theo quy định để huy động vào thiết kế khai thác.
Bên cạnh đó, phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45 - 50 triệu tấn/năm, giảm dần trong giai đoạn 2031 - 2045 với mục tiêu đạt khoảng 38 - 40 triệu tấn vào năm 2045.
Đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm tại bể than sông Hồng trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 (nếu thử nghiệm thành công).
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, xem xét đến việc dự trữ than. Xóa bỏ rào cản để giá than minh bạch, do thị trường quyết định.
Một số tin tức đáng chú ý: Đoan Trang chấn thương ở tổng duyệt Chị đẹp đạp gió rẽ sóng; Mỹ Tâm khoe ảnh sinh nhật cách đây 29 năm 'gây sốt'; Phan Mạnh Quỳnh 'bắt tay' Tăng Duy Tân làm mới hit Nước ngoài...