Bộ Y tế cho biết đã hoàn thành dự thảo (lần 3) luật Dược sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trong đó, dự thảo đề xuất đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quy định các trường hợp gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành không phải thông qua hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng các văn bản với các quy định liên quan tiếp cận thuốc mới của người dân như: chương trình hỗ trợ thuốc mới chi phí lớn cho người bệnh ung thư, giúp đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian người bệnh được tiếp cận thuốc hỗ trợ. Vừa qua, 18 chương trình hỗ trợ thuốc được triển khai (2019 - 2023) đã hỗ trợ trên 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo tại nhiều bệnh viện.
Tại một số hội thảo liên quan tiếp cận thuốc điều trị mới đây, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật Dược cần đưa ra quy định cụ thể về việc áp dụng cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam, bổ sung một số điều của luật Dược giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt thuốc mới, giúp người dân tiếp cận được thuốc tiên tiến, thuốc mới nhanh chóng.
Tốc độ tiếp cận thuốc phát minh, thuốc mới của người dân phụ thuộc nhiều vào thời gian thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành. Theo luật Dược 2016, thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành tối đa là 12 tháng, nhưng trên thực tế thuốc mới đăng ký lần đầu có thời gian chờ đợi kéo dài hơn, do các thủ tục hành chính. Theo khảo sát, năm 2022 có 9% (tương đương 42 thuốc mới) có mặt tại Việt Nam trong số 460 thuốc được đưa ra thị trường lần đầu trong giai đoạn 2012 - 2021, thấp hơn mức bình quân 20% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.