Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng nay (18/1), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,28%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Về một số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến của đại biểu, bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin (Điều 49), trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.
Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại Điều 154 của dự thảo Luật đã quy định việc công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt.
Do vậy, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu theo hướng quy định về dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ như tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 159 của dự thảo Luật.
Về chấm dứt can thiệp sớm, theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến của đại biểu về việc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm trong việc ra văn bản áp dụng thực hiện cũng như chấm dứt thực hiện can thiệp sớm tương tự như quy định tại khoản 6 Điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.
Để thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 156 về việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu khi tổ chức tín dụng thuộc trường hợp được can thiệp sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 161 theo hướng Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc thực hiện văn bản yêu cầu quy định khoản 2 Điều 156 của Luật này khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, giám sát và bảo đảm thực trạng của tổ chức tín dụng đã khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm.