Sau nhiều phản ứng ngoại giao, Pakistan ngày 18-1 không kích tên lửa vào Iran, đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Iran trước đó, dấy lên lo ngại căng thẳng khu vực leo thang.
Vì sao Pakistan không kích ở Iran?
Theo Đài Al Jazeera, Pakistan và Iran thường xuyên phải giải quyết căng thẳng dọc theo đường biên giới đầy biến động dài 900km giữa hai bên.
Pakistan từ lâu thừa nhận việc các tay súng ly khai Baloch nổi dậy ở khu vực tỉnh Balochistan trong nhiều thập kỷ, các nhóm này cũng ẩn nấp dọc biên giới Iran - Pakistan. Iran cũng từng nhiều lần cáo buộc Pakistan "chưa làm đủ" trong việc ngăn chặn các tay súng này gây tổn hại đến an ninh Iran.
Cuộc không kích tối 16-1 của Iran vào Pakistan có thể xem là đòn trả đũa của Tehran, khi nhóm vũ trang Hồi giáo Jaish al-Adl trước đó đã phát động các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Iran ở khu vực biên giới với Pakistan.
"Nhóm này trú ẩn ở một số khu vực thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan. Họ đã sát hại lực lượng an ninh của chúng tôi. Chúng tôi chỉ nhắm vào nhóm khủng bố của Iran trên đất Pakistan", Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói hôm 17-1.
Đáp trả cuộc tấn công trên, vào hôm 18-1, Pakistan đã tiến hành không kích vào Iran. Truyền thông Iran nói một ngôi làng ở tỉnh Sistan-Baluchistan sát biên giới với Pakistan bị tấn công bằng tên lửa, khiến ba phụ nữ và bốn trẻ em thiệt mạng.
Giống với lý do của Iran, Islamabad nói họ tấn công nhắm vào các tay súng ly khai Baloch trên đất của Iran.
"Lực lượng của chúng tôi tiến hành không kích nhằm vào các tay súng Baloch ở Iran", Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin tình báo của Pakistan.
Gần đây nhất, vào tháng 12-2023, Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi nói có ít nhất 11 cảnh sát Iran bị giết trong cuộc tấn công của nhóm Jaish al-Adl vào đồn cảnh sát ở Rask - thị trấn gần biên giới với Pakistan. Trước đó vào tháng 7-2023, bốn cảnh sát Iran cũng bị nhóm Jaish al-Adl sát hại trong khi đang đi tuần tra biên giới.
Tháng 6-2023, truyền thông Pakistan đưa tin nhiều "tên khủng bố" có vũ trang đã sát hại hai lính Pakistan tại một trạm kiểm soát tại quận Kech, tỉnh Balochistan gần biên giới Iran.
Vào đầu năm 2023, bốn sĩ quan biên giới của Pakistan cũng bị sát hại, Bộ Ngoại giao Pakistan khi đó đã kêu gọi phía Iran điều tra và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
Nguy cơ chiến tranh Pakistan - Iran ở mức nào?
Tehran và Islamabad thường cáo buộc bên còn lại cho phép phiến quân hoạt động trên lãnh thổ và tấn công phía bên kia, nhưng hiếm khi quân đội hai bên can thiệp.
Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mohammadreza Ashtiani nói Iran tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác, nhưng khẳng định nước này không có giới hạn nào trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Báo New York Times ngày 17-1 dẫn truyền thông Iran cho biết bộ trưởng Quốc phòng Iran tuyên bố nước này là một cường quốc tên lửa của thế giới.
"Bất kỳ khi nào họ muốn đe dọa Iran, chúng ta sẽ phản ứng, và phản ứng này chắc chắn sẽ tương xứng, cứng rắn và dứt khoát", ông Ashtiani nói.
Nguy cơ căng thẳng leo thang khi ngày 18-1, Iran bắt đầu cuộc tập trận phòng không thường niên, với quy mô từ cảng Chabahar gần Pakistan, lan rộng khắp miền nam, và đến biên giới với Iraq.
Cuộc tập trận Velayat 1402 sẽ bao gồm bắn đạn thật từ máy bay, máy bay không người lái và hệ thống phòng không.
Theo Hãng tin AP, các cuộc đụng độ thường xuyên tại biên giới khiến Pakistan và Iran luôn phải có sự chuẩn bị cho quân đội, đặc biệt là đối với hệ thống radar và phòng không.
Trang theo dõi quân sự Global Firepower xếp Pakistan là quốc gia có quân đội mạnh thứ 9 thế giới.
"Động thái đáp trả có tính toán và kịp thời là cần thiết để ngăn Iran có nhận thức sai lầm rằng một cuộc tấn công quân sự bất ngờ, vô cớ vào Pakistan sẽ không khiến Islamabad phản ứng mạnh mẽ, nhưng chỉ vừa đủ và nhanh chóng", nhà phân tích an ninh Syed Muhammad Ali tại Islamabad trả lời báo New York Times.
Ông Ali nói thêm cả hai bên đều có động cơ mạnh mẽ để làm dịu căng thẳng khi Pakistan đã đưa ra phản ứng, vì "cả hai nước đều sẽ không thu được thêm gì từ bất kỳ cuộc đụng độ hoặc leo thang quân sự nào nữa".
Ngày 18-1, Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Pakistan và Iran sau vụ đọ súng ở khu vực biên giới. Có nhận định cho rằng khu vực xung đột nằm trong sáng kiến kinh tế lớn của Bắc Kinh.