Các đồng chí: Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản và Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đồng chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân (CAND); đại diện Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an…
Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ lớn thứ mười được Đại hội XIII của Đảng bổ sung, hợp thành hệ thống mười mối quan hệ lớn, thể hiện tính quy luật của đổi mới, hội nhập và phát triển ở nước ta. Đây là mối quan hệ lớn có ảnh hưởng rộng lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam, đồng thời có vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân gắn với việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thành; Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Phạm Minh Tuấn và Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân Trần Minh Hưởng đồng chủ trì Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức là việc làm cần thiết, kịp thời cả về lý luận và thực tiễn, với mong muốn lực lượng CAND sẽ đồng hành cùng các cơ quan, ban, ngành và nhân dân nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước các giải pháp để giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo. |
Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn cũng như các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu lý luận và thực tiễn về mối quan hệ trên, làm sáng tỏ, sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa các trụ cột: dân chủ, pháp chế, kỷ cương xã hội.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị, sau Hội thảo, Ban Thư ký Hội thảo tập hợp ý kiến của các đại biểu để báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an sẽ kịp thời tham mưu, đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chủ trương, chính sách trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND gắn với việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở đất nước ta trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân báo cáo đề dẫn Hội thảo. |
Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: Hội thảo đã nhận được 73 báo cáo khoa học của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn với nhiều nội dung phong phú, đa dạng trên nhiều khía cạnh khác nhau của mối quan hệ thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.
Tại Hội thảo này, Ban Tổ chức mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học nhằm làm rõ hơn những vấn đề lý luận cũng như phân tích những vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần phải giải quyết trong mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, nhất là những vấn đề đặt ra đối với công tác của lực lượng CAND.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu tham luận. |
Với tinh thần trên, trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản đã đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Theo đồng chí, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm quá trình thực hành dân chủ luôn trong khuôn khổ của pháp luật, trong trật tự chung của cộng đồng, tổ chức…
PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội phát biểu tham luận. |
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội: Để xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong hoạt động xây dựng pháp luật cần phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng pháp luật. Theo đồng chí, sự tham gia của nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật không chỉ đảm bảo tiếng nói của người dân trong việc hoạch định và quyết định chính sách pháp luật, mà còn là một môi trường học thực hành dân chủ, nâng cao năng lực làm chủ theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”.
Đề xuất phương hướng và giải pháp nâng cao thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế bảo đảm kỷ cương xã hội trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành khoa học An ninh, Bộ Công an cho rằng: Cần thực hiện tốt mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Thực hiện phương châm “Trọng dân, gần dân, sát dân. Lúc dân cần, lúc dân khó có Công an” và “Công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân”.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành khoa học An ninh, Bộ Công an phát biểu tham luận. |
“Mặt khác, CAND cần phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân để xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với nền an ninh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân ở trên từng địa bàn một cách vững chắc” - Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng phân tích về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta; chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và những vấn đề đặt ra hiện nay; thực trạng mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong lĩnh vực cải cách hành chính nhà nước; Giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội nhằm góp phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam…
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Những ý kiến tham luận trong Hội thảo có giá trị về lý luận và thực tiễn, cung cấp những luận cứ khoa học để tham mưu với Đảng, Nhà nước những giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.