Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản
Mới đây, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.
Trong đó có sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...
Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, so với mọi năm, giá bán nông sản dịp Tết năm nay có thể không tăng cao, thậm chí nhiều mặt hàng, như: Thịt lợn, rau xanh... có xu hướng giảm nhẹ.
Do vậy, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cần bám sát tình hình cung - cầu, giá cả thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh cung vượt cầu, giá giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, dịp Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, nên ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng, các doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp những sản phẩm có giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường để phục vụ người tiêu dùng.
Thông tin trên báo Hà Nội Mới, nhìn chung, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn.
Nhằm tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc trưng vùng miền có tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm nâng cao giá bán cho nông dân vào vụ thu hoạch lớn nhất năm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, để ổn định nguồn cung nông sản thực phẩm dịp Tết và tránh tình trạng cung vượt cầu, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, bám sát tình hình cung cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn, kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.
“Sở cũng sẽ tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lượng lớn, như: Rau, thịt, thủy sản, hoa, quả...; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Không để thiếu nông sản, thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024
Theo Kinh tế đô thị, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Ngô Hồng Phong đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ngoài nguồn sản xuất tự cung thì cũng phát triển đa dạng các nguồn cung khác.
“Đoàn công tác yên tâm vì Hà Nội có chương trình phối hợp, kết nối khai thác nguồn cung với 43 tỉnh, TP trên cả nước. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn cung về mặt số lượng mà còn trên khía cạnh chất lượng…” - ông Phong cho biết thêm.
Không lo về số lượng, tuy nhiên, đại diện Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường lưu ý Hà Nội vấn đề về kho lạnh bảo quản thực phẩm. Theo đó, đề nghị TP cần rà soát lại hệ thống lưu trữ, phân phối, để bảo đảm chất lượng thực phẩm và sự chủ động cao nhất trong cung ứng.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, TP rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân. Do đó, thường xuyên đôn đốc các sở ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024, hiện nay Sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, thời tiết; từ đó đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả thị trường; chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội nhằm hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao...
Trước đó, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Ngô Hồng Phong lưu ý các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quản lý chặt chẽ các giấy chứng nhận. “Không phải đơn vị nào có giấy chứng nhận cũng hoạt động tốt. Tiền kiểm thông thoáng để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng hậu kiểm phải làm chặt và xử lý nghiêm”, ông Ngô Hồng Phong nói.
Trúc Chi (t/h)