Trong năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn thu về 1,3 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022.
Năm 2023, mặc dù xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm so với năm 2022, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2023, xuất khẩu sắn đạt 821,51 nghìn tấn, trị giá 231,64 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu sắn bình quân năm 2023 ở mức 282 USD/tấn, giảm 2,9% so với năm 2022.
Năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2023 đạt 441,5 USD/tấn, tăng 2,1% so với năm 2022.
Năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,52% về lượng và chiếm 90,99% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.
Nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong mấy tháng gần đây đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Theo số liệu trên báo Công Thương, từ đầu tháng 1/2024 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc tiếp tục tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Mặc dù giá mua vào sản phẩm tinh bột sắn của khách hàng Trung Quốc theo đường bộ (DAF) có tăng nhẹ, nhưng chưa đạt kỳ vọng của các nhà máy sắn Việt Nam. Xu thế tăng giá mua vào sản phẩm tinh bột sắn của khách hàng Trung Quốc chưa thích ứng kịp với biên độ tăng giá bán ra của các nhà máy sắn Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022; năng suất trung bình đạt 204 tạ/ha, tăng khoảng 3,6 tạ/ha và sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022.
Đáng chú ý niên vụ sắn 2023/2024, tỉnh Thanh Hóa trồng được trên 10.700 ha sắn, giảm khoảng 2.000 ha so với niên vụ trước. Năng suất bình quân đạt khoảng 18-20 tấn/ha. Như vậy, mỗi năm sản lượng sắn đạt khoảng 180.000-200.000 tấn; trong khi nhu cầu sản lượng cần khoảng trên 400.000 tấn/năm. Theo đó, trong vụ sắn năm nay, các vùng nguyên liệu sắn trong tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu chế biến của các nhà máy. Do những năm gần đây bệnh khảm lá sắn phát triển mạnh, giá thu mua thấp nên hiệu quả trồng sắn không cao. Vì thế, diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng giảm dần. Năm nay, thị trường ổn định, nhưng các nhà máy chế biến tinh bột sắn lại không đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.
Xuất khẩu nông sản là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cả nước năm 2023
Xuất khẩu nông sản góp phần quan trọng vào mức xuất siêu 28 tỷ USD, tạo ra giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên của hơn 10 mặt hàng nông sản. Xuất khẩu nông sản đã tạo ra bốn mảng màu sáng. Một là, quy mô không ngừng tăng.
Hai là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, giảm hàm lượng thô, tăng sản phẩm chế biến. Ba là, hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đa dạng, phong phú về chủng loại, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Và cuối cùng là xuất khẩu nông sản đóng góp quan trọng giữ cán cân thương mại xuất siêu nhiều năm qua.
Để nâng cao giá trị nông sản, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai.
Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…
Trong khi đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi các ngành hàng.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, riêng đối với mặt hàng thủy sản, đồ gỗ, Bộ NN&PTNT bám sát triển khai quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá). Trong đó, tập trung xây dựng các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng, gỡ được "thẻ vàng" IUU cũng như giải quyết những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép.
Trúc Chi (t/h)