Sứ mệnh lịch sử này cũng hứa hẹn mở ra cánh cửa cho những dự án khoa học đầy tham vọng của ngành hàng không vũ trụ Nhật Bản.
Đây là nỗ lực đánh dấu lần hạ cánh "mềm" đầu tiên lên Mặt Trăng của tàu vũ trụ Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào lúc 12h trưa 19/1 (theo giờ địa phương). Toàn bộ thời gian của quá trình hạ cánh sẽ diễn ra trong khoảng 20 phút và được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình tại Nhật Bản. Theo Cơ quan Thám hiểm hàng không hũ trụ Nhật Bản (JAXA), tàu đổ bộ SLIM đã tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 25/12 năm ngoái, sau đó dành gần 1 tháng để chuẩn bị cho nỗ lực hạ cánh của mình. Nếu lần hạ cánh này diễn ra thành công, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ 5 hạ cánh lên Mặt Trăng, sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Được mệnh danh là "tay bắn tỉa cừ khôi", tàu thăm dò SLIM đang cố gắng hạ cánh tại địa điểm cách mục tiêu trong vòng 100 mét.
Ông Kazuto Saiki - giáo sư phát triển camera hồng ngoại của tàu thăm dò SLIM cho biết, công nghệ mới sẽ phân tích thành phần của đá Mặt trăng sau khi hạ cánh: "Trong thám hiểm không gian và thám hiểm mặt trăng, việc tàu vũ trụ bỏ lỡ vị trí hạ cánh mục tiêu vài kilomet hoặc hàng chục kilomet là điều rất phổ biến, nhưng SLIM nhắm mục tiêu hạ cánh trên mặt trăng với độ chính xác thấp hơn sai số 100 mét. Một khi công nghệ này được chứng minh thành công, chúng ta sẽ có thể hạ cánh trên những địa hình khó khăn như cực nam mặt trăng. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp Nhật Bản giữ được tiến bộ công nghệ ở mức rất cao trên thế giới.”
Tàu đổ bộ SLIM (viết tắt của "Smart Lander for Investigating Moon" dịch là Tàu đổ bộ thông minh để điều tra Mặt trăng), dài 2,7m, được phóng lên bởi tên lửa H-2A của Nhật Bản cùng với kính viễn vọng không gian XRISM vào ngày 6/9. Trong khi XRISM đã được triển khai thành công ở quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, tàu SLIM vẫn đang trên đường để làm nên lịch sử.
Theo Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản, tàu SLIM mang theo 2 robot thăm dò cỡ nhỏ. Cả hai sẽ triển khai trên bề mặt Mặt Trăng sau khi hạ cánh. Bộ đôi này sẽ chụp ảnh địa điểm hạ cánh, giúp nhóm sứ mệnh SLIM theo dõi tình trạng của tàu mẹ và cung cấp hệ thống liên lạc độc lập để liên lạc trực tiếp với Trái Đất. Cùng với đó là thực hiện một số nghiên cứu khoa học liên quan tới địa chất trên Mặt Trăng.
Ông Bleddyn Bowen - phó giáo sư chuyên về chính sách không gian tại Đại học Leicester, cho biết việc hạ cánh một tàu thám hiểm lên bề mặt Mặt trăng sẽ là cơ hội quan trọng để Nhật Bản thể hiện sức mạnh và khả năng không gian của mình với thế giới. Hạ cánh chính xác tàu vũ trụ SLIM "sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi", nhưng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều tổ chức không gian hơn trên toàn thế giới bay tới mặt trăng bằng cách giảm chi phí cho mỗi sứ mệnh.
Ông Bleddyn Bowen cho biết: “Nhật Bản đã là một cường quốc không gian lớn trong nhiều thập kỷ rồi, không lớn bằng Mỹ hay Trung Quốc về mặt quy mô, nhưng về mặt năng lực và công nghệ tiên tiến thích hợp, Nhật Bản luôn thể hiện theo kịp thời đại. Nếu Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu thám hiểm lên mặt trăng sẽ rất quan trọng và có ý nghĩa, bởi nước này sẽ chứng minh khả năng trong ngành công nghiệp vũ trụ, cũng như các lợi ích công nghiệp toàn cầu. Và điều đó cũng cho thấy Nhật Bản cũng là một đối tác đáng tin cậy của Mỹ, đối với Sứ mệnh Artemis (NASA) - có thể đưa các phi hành gia quay trở lại mặt trăng trong 5 năm tới.”
Sứ mệnh tàu thăm dò SLIM không phải là lần thử hạ cánh lên Mặt Trăng đầu tiên của Nhật Bản. Trước đó, một nỗ lực tương tự đã được thực hiện vào đầu năm nay bởi tàu đổ bộ Hakuto-R do công ty Ispace có trụ sở tại Tokyo chế tạo.
Nhật Bản đang ngày càng tìm cách đóng một vai trò lớn hơn trong ngành vũ trụ không gian. Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản đã 2 lần hạ cánh xuống các tiểu hành tinh nhỏ, nhưng việc hạ cánh lên Mặt Trăng khó khăn hơn nhiều do lực hấp dẫn của Mặt trăng. Năm ngoái, tàu vũ trụ của công ty khởi nghiệp ispace của Nhật Bản và Nga đã rơi xuống bề mặt Mặt Trăng. Một tàu đổ bộ của công ty khởi nghiệp Astrobotic của Mỹ vào tuần trước đã bị rò rỉ nhiên liệu, buộc phải từ bỏ nỗ lực hạ cánh.
Năm ngoái, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện cú hạ cánh lịch sử lên địa hình gồ ghề của cực nam Mặt Trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực không gian vũ trụ.