Sáng 18/1, với đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, trong các phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu băn khoăn về quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông tại các ngân hàng, việc giảm này không thể chặt đứt được tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối các hoạt động ngân hàng như đã từng xảy ra ở Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Theo các đại biểu, quan trọng nhất là phải giám sát.
Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) |
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bên cạnh quy định việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin. Trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức
tín dụng.
Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm việc các ngân hàng “bắt tay” với các công ty để bán bảo hiểm, trong đó có tình trạng nhân viên ngân hàng gợi ý, ép người vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ. Do đó, có đại biểu đề nghị phải luật hóa để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi này. Thậm chí, một số đại biểu đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm, cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, người điều hành, nhân viên tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
H. Anh
Xem thêm: lmth.0430151a-gnod-oc-nit-gnoht-iahk-gnoc-iahp-gnud-nit-cuhc-ot-cac/nv.moc.enilnounuhp.www