Trong khuôn khổ các hoạt động tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), chiều 17-1 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala. Đánh giá cao hợp tác của WTO với Việt Nam, bà Okonjo-Iweala khẳng định Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Hình mẫu phát triển
Năm nay, WEF diễn ra với nhiều bất định và cả hoài nghi. Từ những năm 1980, cuộc họp thường niên này là đại diện tiêu biểu cho xu hướng toàn cầu hóa kinh tế. Nhưng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, tình hình xung đột vũ trang gia tăng... đã đặt dấu hỏi cho cuộc gặp gỡ ở Davos.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-1, TS Jonathan Pincus - nhà kinh tế cấp cao của UNDP Việt Nam - cho rằng sự đồng thuận về ủng hộ toàn cầu hóa không bị thay thế nhưng chắc chắn bị thách thức nghiêm trọng trên nhiều mặt.
"Có lẽ tầm quan trọng của Davos đã thay đổi từ đồng thuận về toàn cầu hóa sang bảo vệ toàn cầu hóa trước những ý kiến phản đối. Thật thú vị khi vài năm nay Trung Quốc là bên lên tiếng ủng hộ hội nhập kinh tế mạnh mẽ nhất, trong khi Mỹ giảm nhiệt tình đối với tự do hóa thương mại. Điều này cho thấy toàn cầu hóa không suy giảm mà đang thay đổi", ông nói.
Bối cảnh trên khiến bức tranh hợp tác hiện nay đa dạng và phức tạp hơn. Các nước đứng trước thử thách vừa phải đảm bảo bắt kịp xu hướng chú trọng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh, vừa phải tìm cách thích ứng với chuỗi cung ứng đang dịch chuyển.
Phát biểu tại phiên thảo luận "Các bài học từ ASEAN", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng là xu thế tất yếu dựa trên quy luật về cạnh tranh, quy luật cung - cầu.
Ông nhấn mạnh các nước chỉ có thể duy trì sự phát triển bền vững khi lựa chọn cách tiếp cận cùng thắng, tôn trọng sự lựa chọn của mỗi quốc gia, đồng thời xây dựng lòng tin dựa trên sự chân thành, đoàn kết và cân bằng lợi ích. Tại Davos, Thủ tướng cũng chia sẻ về ưu tiên chuyển đổi số, phát triển công nghệ và chuyển đổi xanh.
Theo GS Julien Chaisse - chuyên gia về toàn cầu hóa, đầu tư nước ngoài và tài sản kỹ thuật số tại ĐH Hong Kong, phát biểu của Thủ tướng về ưu tiên chuyển đổi số, khoa học công nghệ, AI và chuyển đổi xanh là rất đúng đắn, phản ánh nhu cầu của kinh tế toàn cầu cũng như các lựa chọn chiến lược hiện nay.
"Ngày nay, khi tiến bộ công nghệ đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, chuyển đổi số và AI đã trở nên rất cần thiết. Đại dịch COVID-19 chỉ đẩy nhanh xu hướng này, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và AI trong quản lý khủng hoảng và các hoạt động kinh tế hằng ngày", ông nói với Tuổi Trẻ từ Davos.
Tận dụng lợi thế cạnh tranh
Cũng trong phiên thảo luận "Các bài học từ ASEAN" nói trên, bà Okonjo-Iweala cho rằng chuỗi cung ứng đang phi tập trung hóa theo hướng chuyển sang một số nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi có môi trường đầu tư thân thiện. Tổng giám đốc WTO mô tả đây là một phần của quá trình "tái toàn cầu hóa", trong đó Việt Nam là một điểm đến điển hình với sự phát triển năng động và những câu chuyện tuyệt vời.
Theo TS Pincus, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ sự ổn định và an toàn, chi phí lao động thấp so với Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan, trong khi chất lượng cơ sở hạ tầng đã được cải thiện.
Ngoài ra, Việt Nam đã hội nhập chặt chẽ vào hệ thống sản xuất Đông Á nối Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện vấn đề quy định cũng như đào tạo nhân lực cần thiết, đặc biệt tăng số sinh viên tốt nghiệp đại học ở ngành khoa học và công nghệ, vốn còn ít so với nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, GS David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới (Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy, ĐH Harvard), cho rằng để tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hy vọng vào vốn FDI chất lượng cao hơn, Việt Nam cần hướng tới việc nâng cấp chất lượng kỹ thuật và quy định trong nước.
"Thu hút FDI không phải nhằm giúp đỡ người nước ngoài càng nhiều càng tốt để hấp dẫn họ. Thay vào đó, quan trọng là phát triển, giữ chân nhân tài và nguồn vốn để tạo thêm công việc và cơ hội cho mọi người. Vì vậy, thu hút FDI đồng nghĩa với các nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, phát triển đô thị hiệu quả và hấp dẫn, mang lại cách thức nâng cao tay nghề trong và ngoài môi trường đại học", GS Dapice nói.
GS Dapice, người theo sát sự phát triển kinh tế Việt Nam, lấy ví dụ cụ thể hơn về yêu cầu xây dựng một trung tâm điện toán đám mây khi các nước láng giềng như Malaysia, Singapore và Indonesia đều đã và sắp có.
Ông cho rằng hiện nay nếu chỉ dùng nguồn lực địa phương, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu. Lý do nằm ở chỗ các trung tâm điện toán đám mây không chỉ là phần cứng vốn có thể đi mua được. Việt Nam cần phải có hàng ngàn kỹ sư máy tính lành nghề để vận hành các phần mềm bảo trì, chống đe dọa an ninh mạng.
"Các nhà cung cấp đám mây lớn như Amazon, Microsoft hay Google đều chi hàng tỉ USD mỗi năm cho việc bảo trì. Một máy chủ điện toán đám mây của riêng Việt Nam thôi sẽ không thể bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Điều này giống như việc bạn cố xây dựng một hãng bay chỉ do Việt Nam làm vậy", ông nói.
"Vì vậy, xét mặt này, Thủ tướng đã nói rất đúng. Những điều trên (bao gồm công nghệ xanh) là thời cơ và thậm chí rất cần thiết. Nhưng nếu không có các chính sách hỗ trợ, chúng không thể phát triển nhanh chóng được. Đó là một sự lựa chọn", GS Dapice nói.
* Ông Don Lam (tổng giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital): Nhiều tổ chức tài chính lớn tại châu Âu đã thấy cơ hội ở Việt Nam
Các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn của châu Âu đã có quá trình theo dõi, quan sát Việt Nam từ rất lâu rồi, và từ tình hình kinh tế vĩ mô 2023 cũng như tầm nhìn lớn của Chính phủ Việt Nam thì họ đều thấy cơ hội đầu tư.
Năm qua, Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng GDP 5,1% - một thành tích rất xuất sắc. Trong một môi trường toàn cầu đầy khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp hiệu quả giữ được lạm phát ở mức khiêm tốn.
Mức thặng dư thương mại lớn, du lịch quốc tế phục hồi hậu COVID-19, các biện pháp kích thích tài khóa do Chính phủ thực hiện, cũng như việc đẩy mạnh đáng kể đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cùng với mức vốn FDI đăng ký kỷ lục là 36,6 tỉ USD, tăng hơn 32%.
Vị thế chiến lược của Việt Nam cũng được nâng lên, chỉ trong một năm qua Việt Nam đã tăng cường quan hệ với một loạt đối tác chủ chốt.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ được công bố vào tháng 9-2023 đã đánh dấu cột mốc quan trọng với một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của đất nước. Và hai tháng sau, Việt Nam đã nâng mối quan hệ với Nhật Bản lên cùng mức để ghi nhận sự đầu tư và hỗ trợ liên tục của nước này.
Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới trong vài tháng đón tiếp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đó là bằng chứng về vị thế của đất nước trong giai đoạn bất ổn địa chính trị này.
24 giờ của Thủ tướng ở Davos
Tối 17-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam". Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi hơn 20 hoạt động của ông tại WEF. Trong khoảng 24 tiếng ở Davos, Thủ tướng đã không ngừng nỗ lực quảng bá những tiềm năng và lợi thế của Việt Nam với hàng ngàn nhà đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững" trong sáng 17-1, Thủ tướng đã nêu bật những lý do cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu ở Đông Nam Á. Đó là trong bối cảnh thế giới khó khăn, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi trong kiểm soát.
Ngoài ra Chính phủ, các bộ, ngành luôn lắng nghe, sẵn sàng đối thoại, chia sẻ, đàm phán, "đã hứa là làm, đã cam kết phải thực hiện".
"Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất", Thủ tướng nhấn mạnh với các nhà đầu tư.
Một điểm nhấn khác là phần trao đổi giữa Thủ tướng và cây bút bình luận nổi tiếng về quan hệ quốc tế Thomas Friedman của báo New York Times - tác giả cuốn Thế giới phẳng. Ông Friedman là người điều phối phiên đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu" với sự tham gia của giáo sư Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF - cùng 100 lãnh đạo, đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp là thành viên của WEF.
Tại phiên đối thoại này, cả giáo sư Klaus Schwab và ông Thomas Friedman đều dành những nhận xét tích cực về vai trò của Việt Nam. Ông Friedman cho rằng Việt Nam là điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng, giáo sư Klaus Schwab cũng đánh giá cao Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, là một nền kinh tế đang cải cách mạnh mẽ, tập trung vào các ngành công nghệ cao, chế tạo, thúc đẩy phát triển xanh... sẽ sớm trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chiều 18-1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm tại Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Budapest.