Chúng tôi đã thực hiện buổi hạnh ngộ sau ba thập niên chia tay, ký ức ùa về qua từng lời nói, tiếng cười và cả những giọt nước mắt xúc động của thầy trò.
"Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn được chúng tôi trân quý dù năm tháng có qua đi như thế nào...
1. Năm tôi học lớp 10, thành phố quy định nữ sinh mặc áo dài trắng. Để vào được Trường Nguyễn Thượng Hiền, chúng tôi phải thi tuyển nếu là học sinh khác tuyến, điểm tuyển trường cao nhất nhì thành phố bấy giờ.
Nề nếp, kỷ cương trường rất chặt, học trò phải luôn đồng phục chỉnh tề, dép quai hậu, cặp sách đúng quy cách, phù hiệu tên lớp rõ ràng và may hẳn trên miệng túi áo, chớ đính lỏng lẻo phất phơ là không xong với thầy Nguyễn Trần Thịnh, cô Đặng Vũ Thu Hà, thầy Lê Hồng phòng kỷ luật.
Mặc dù đứa nào cũng biết các thầy cô hiền khô, nhưng nghiêm khắc với vi phạm quy chế nhà trường.
Năm đó, thầy Nguyễn Hữu Nghi là hiệu trưởng. Một giờ ra chơi, thầy gặp nam sinh đi dép lê, đã vậy còn chiếc nọ chiếc kia đúng nghĩa đen. Thầy hỏi bạn đó sao lại vậy. Thiệu, tên bạn ấy, rất lo bị kỷ luật vì không tuân thủ quy định nhà trường, mà người bắt gặp lại là hiệu trưởng.
Thiệu đành thưa thật với thầy hiệu trưởng rằng nhà rất nghèo, có dép gì đi dép đó, giờ chỉ có hai chiếc này vừa chân nên đi tạm. Thầy lặng im rồi cười rất nhẹ, đưa tay xoa đầu bạn ấy.
Vài ngày sau, trong lúc Thịnh đang ở trọ trong khu chợ hôi mùi sình lầy thì thấy thầy cô trường đến. Cậu học trò nghèo thót tim, nghĩ "bị đuổi học rồi". Mẹ con cậu lại không có hộ khẩu, ai cho ở nhờ, ở trọ được bữa nào hay bữa nấy.
Nhưng các thầy cô đến tìm hiểu hoàn cảnh học trò để hỗ trợ theo đề nghị của thầy hiệu trưởng.
Những lời động viên, những sự giúp đỡ thiết thực của thầy cô đã kịp chắp thêm nghị lực cho cậu học trò vượt qua khó khăn để đạt thành ước mơ. Cậu học trò chân đi dép nọ dép kia ấy giờ đang là bác sĩ ở Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, bác sĩ Trần Văn Thiệu.
Tôi ngồi nghe bạn nhắc kỷ niệm xưa mà không khỏi bồi hồi, biết ơn ân tình thầy cô.
2. Ai cũng từng qua tuổi "quỷ ma không có thì học trò đứng đầu". Ký ức lại đưa tôi về những dãy bàn học chốn cũ, hình ảnh bạn bè, thầy cô cứ chầm chậm hiện về...
Tôi nhớ thầy Hậu dạy toán, hay đi chiếc xe đạp cà tàng, mà hình như thầy phải hay dắt chiếc xe đạp ấy hơn là chạy. Dáng hom hem, cao gầy, thầy là bộ đội xuất ngũ, dạy toán rất hay và giỏi cả văn thơ. Thỉnh thoảng thầy vẫn giảng văn, bình thơ rất "chất" trong giờ toán.
Hôm đó, lớp 11A8 chúng tôi có giờ toán với thầy, như thường lệ thầy vẫn giảng rất mạch lạc, dễ hiểu. Bỗng nam sinh N.T.T. văng tục bâng quơ, thầy bất bình nhưng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. T. vẫn tiếp tục tỏ thái độ vô lễ.
Thầy bước xuống, đến gần trò ấy và nhẹ nhàng mời bạn ra ngoài để thầy tiếp tục giảng bài. Bất ngờ T. vung tay đánh thầy, tiếp tục chửi thề, rồi kéo mạnh cái cặp sách, nghênh ngáo bước ra khỏi lớp trước sự sửng sốt của thầy cùng bạn học cả lớp.
Sự việc sau đó được đưa lên ban giám hiệu. T. bị kỷ luật buộc thôi học. Nhưng chính thầy Hậu lại là người xin cho bạn ấy được tiếp tục học để không dở dang tương lai. Tấm lòng người thầy bao dung với cả những học trò vô lễ với mình, bao dung như chính cái tên của thầy Đức Hậu...
Về họp mặt 30 năm của chúng tôi năm rồi, nụ cười của thầy vẫn tươi như ngày nào dù giờ dáng thầy đã còng, móm mém tuổi già, tự sự gieo những vần thơ về đời, về mình...
Chăm chú hòa mạch cùng gala hạnh ngộ và tri ân của chúng tôi, thầy tâm sự: "Chỉ có nền tảng gia đình và môi trường giáo dục tốt mới tạo ra các em của hôm nay với lòng thành tâm để thực hiện chương trình hoàn hảo ý nghĩa như thế này! Cảm ơn các em!".
3. Tết 1990, thỉnh thoảng vẫn có tiếng pháo nổ ì đùng đâu đó trong sân, ngoài cổng trường. Tiếng trống giờ ra chơi vừa điểm. Học trò túa ra sân cho thoải mái chân cẳng. Bỗng đâu một tờ báo cuộn quăng từ ngoài cổng trường vào sân, nổ đoàng chói tai.
Tiếp theo là tiếng chạy rầm rầm của một đám nam sinh cùng với vài người ngoài trường, trong đó có bạn T. lớp tôi. Chúng tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã thấy thầy hiệu phó Trương Quang Hiệp cùng một số giáo viên kỷ luật chạy ra can đám đánh nhau.
Thầy Hiệp vừa đưa tay cản T. để bạn ấy dừng lại, nhưng đáp lại thầy lại là một cú vung tay trúng ngay mặt thầy. Bị choáng nhưng thầy vẫn tiếp tục giữ chặt T. để ngăn bạn ấy không hòa theo đám đông đang hỗn chiến.
Trật tự được vãn hồi, những học sinh liên quan bị gom vào phòng kỷ luật. Tất nhiên, tội hành hung giáo viên bị đuổi học là mức kỷ luật cao nhất. Nhưng rồi chính thầy Hiệp đã xin ban kỷ luật xóa án cho T. để bạn ấy có cơ hội tu sửa mình.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy lấy khăn tay lau chút máu rỉ ra khóe miệng, lặng lẽ đi về văn phòng. Tôi có dịp gặp lại thầy nhiều lần sau ngày ra trường, nhưng chưa bao giờ nghe thầy kể lại chuyện ấy hay chê bai học trò nào, mà luôn dành cho chúng tôi những lời âu yếm nhất của một người giáo viên.
"Thưa thầy, em đã thuộc bài học sáng nay/ trong bài giảng có bụi phấn trắng/ bay bay trên tóc thầy..." (Bài học đầu tiên, sáng tác Trương Xuân Mẫn). Mỗi lần về thăm thầy, thầy lại nhắc tôi hát lại bài đó và thầy đệm đàn guitar hòa theo.
4. Phòng học số 10, lớp 12A10, năm 1992. Cô Trần Thị Duyên dạy chính trị, có dáng người nhỏ bé, gầy gò, vừa bước vào lớp, bọn tôi đứng lên chào cô như thường lệ. Rồi cô gọi năm học trò trả bài, xui xẻo sao chả đứa nào thuộc bài ngày hôm đó.
Đâu đó có lời thanh minh thanh nga rằng tụi tôi có bài kiểm tra toán cùng ngày nên dành hết tâm trí để ôn toán chớ không ôn bài môn cô. Rồi cô giận! Chúng tôi chưa bao giờ thấy cô giận như thế vì thường cô rất hiền.
Cô mắng chúng tôi nào là lười, nào là thiếu ý thức, coi thường cô... Cả lớp tôi gần 50 cô cậu học trò ngồi im phăng phắc. Cô kết lại một câu "lớp các em không có lương tâm!", và nhìn cả lớp một lượt, mắt cô đỏ hoe, giọng cô run run. Tôi biết chỉ cần bạn nào đó có lời lẽ "chạm nhẹ" là cô sẽ khóc vì giận.
Cả lớp chúng tôi nhìn nhau, tôi - bí thư chi đoàn và lớp trưởng nhìn nhau. Chả hiểu sao can đảm ở đâu lúc đó mà tôi buột miệng: "Dạ thưa cô, lớp em có Lương - Tâm!". Cơn giận của cô như được tém thêm lửa, cô quát: "Lương - Tâm ở đâu mà có?".
Tôi rụt rè trả lời: "Dạ cô, bạn lớp trưởng là Lương, còn em tên Tâm ạ! Em khẳng định với cô rằng lớp em có Lương - Tâm!". Cả lớp dường như "giảm lửa", có tiếng khúc khích cười đâu đó.
Cô vừa lấy tay quệt nước mắt, vừa cười thật tươi: "Các anh chị đáo để vừa thôi!". Thừa cơ hội, tôi nói luôn: "Chúng em sẽ sửa sai bằng cách tuần sau sẽ đảm bảo thuộc bài 100% ạ! Bạn Lương lớp trưởng và em sẽ kiểm tra bài các bạn trước, thưa cô!". Cô cười thật tươi, hết giận chúng tôi ngay lập tức.
Vậy đó, ngày xưa chúng tôi cũng đến trường, cũng có những điều hay, điều dở, học rất giỏi nhưng nghịch phá cũng không ai bằng. Ấy mà chưa bao giờ chúng tôi quên những người thầy, người cô của mình, những người đã rất tận tâm, đã nghiêm khắc và cũng rất bao dung với bọn học trò chúng tôi.
Lòng tri ân chưa bao giờ vơi đi trong chúng tôi cho dù năm tháng tưởng như đã xa dần với tình cảm cũ.
Chúng tôi đã được học với thầy cô bài học đầu tiên, nhưng chưa bao giờ chúng tôi có bài học cuối cùng. Những lần về họp lớp hay ghé thăm thầy cô, chúng tôi vẫn được nghe những lời khuyên, những lời dặn dò ân cần của thầy cô, những tiếng cười sảng khoái của thầy và trò cứ vậy vang vọng mãi ...
Sâu thẳm trong chúng tôi, vẫn một lời dạy ghi tâm khắc cốt "Tiên học lễ, hậu học văn", vẫn ước mơ được quay về để được gặp lại và được thầy cô xoa đầu như ngày ấy chúng tôi còn rất trẻ...
--------------------------
Thuở ấy, trò nghèo và thầy cô cũng nghèo lắm, lúc nào cũng phải quay quắt lo miếng ăn, nhưng đạo thầy trò chưa bao giờ vơi.
Kỳ tới: Nhớ mãi nồi khổ qua kho muối của thầy
20 năm trước, năm 2003, khóa học trò Trường THPT Nông Sơn (Quảng Nam) chúng tôi rời trường. Thời đó khó khăn vô cùng, để đi học đại học là chuyện khó (vì không dễ đỗ đại học như bây giờ).