Các nhà khoa học của NASA tuyên bố họ đã phát hiện ra phân tử nước trên Mặt trăng. Nó bị mắc kẹt trong băng trên bề mặt Mặt trăng. Từ dữ liệu này, họ ước tính có khoảng 40.000km² trên Mặt trăng có nước.
“Nước trên Mặt trăng chứa nhiều chất ô nhiễm”, Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) cho biết. Tuyên bố đó dựa trên dữ liệu từ một vụ tai nạn có chủ ý của tàu vũ trụ LCROSS của NASA đâm vào vùng cực nam băng giá của Mặt trăng vào ngày 9-10-2009.
Theo trang khoa học Space.com, chùm khí thu được từ LCROSS - vệ tinh viễn thám và quan sát các hố Mặt trăng - cho thấy Mặt trăng không chỉ chứa hydro có từ nước mà còn chứa hydro sunfua, amoniac, carbon monoxide, ethylene, sulfur dioxide, metanol, metan, thủy ngân, và "dấu vết của regolith rắn", theo Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA ở California.
Shuai Li, trợ lý nghiên cứu tại Viện Địa vật lý và Hành tinh học của Đại học Hawaii, giải thích: regolith trên Mặt trăng là một lớp đất đá vụn nằm ở độ sâu từ 5 - 10m tùy thuộc vào vị trí trên Mặt trăng. NASA mô tả lớp đất mặt trên Mặt trăng (regolith) là một loại “đất xám mịn” được tạo thành từ các mảnh đá của chính Mặt trăng.
Chưa kể hàng loạt nguyên tố gây độc khác, chỉ riêng thủy ngân đã là một chất có độc tính cao. Do đó, trước mắt các phi hành gia trong chương trình Artemis do NASA dẫn đầu không thể uống nước này.
Các quan chức của CSA cho biết: “Việc lọc nước tại chỗ trên bề mặt Mặt trăng chưa bao giờ được chứng minh thành công và có nhiều thách thức tồn tại trong môi trường trên không gian”.
John Priscu, giáo sư tại Đại học Montana, người nghiên cứu về sinh hóa của môi trường băng giá, nói với trang tin Inverse: “Nếu được xử lý đúng cách, nước trên Mặt trăng sẽ có thể uống được. Nhưng hiện nay, nó vẫn chưa sẵn sàng để phi hành gia pha chế cocktail".
Theo một nghiên cứu mới nhất, lượng nước có trên Mặt trăng có khả năng đến từ dải plasma ở phần đuôi từ quyển của Trái đất.