Số liệu chính thức công bố hôm 19/1 cho thấy lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm tươi sống) của Nhật Bản năm ngoái là 3,1%, cao nhất kể từ năm 1982. Nguyên nhân chủ yếu là giá thực phẩm tăng cao và đồng yen yếu, khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn.
Tính riêng tháng 12, lạm phát lõi là 2,3%, giảm so với 2,5% tháng 11. Như vậy, tốc độ này đã vượt qua mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong 21 tháng liên tiếp.
Số liệu tháng 12 cũng khớp với dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Reuters. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, giá phòng khách sạn tại Nhật Bản tăng 59% tháng 12, trong khi giá điện lại giảm 20,5%.
Số liệu tháng 12 cho thấy lạm phát đang có xu hướng chậm lại. Kanako Nakamura - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Daiwa cho biết so với năm 2022, mức tăng giá thực phẩm đã chậm lại. Giá thực phẩm tại đây tăng mạnh do chi phí nhập khẩu, logistics và lương nhân công trong nước tăng.
Số liệu lạm phát được công bố vào thời điểm chính phủ Nhật Bản thúc giục doanh nghiệp nâng lương trước kỳ đàm phán hàng năm giữa các giám đốc và công đoàn. Báo cáo này cũng được công bố trong bối cảnh thị trường kỳ vọng BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào đầu năm nay.
"Câu hỏi hiện tại là liệu tiêu dùng có thể tăng tốc để giá tiếp tục đi lên hay không. Tiêu dùng yếu sẽ kéo tụt lạm phát, khiến mục tiêu duy trì 2% khó khăn hơn trong năm nay", Yoshiki Shinke - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng BOJ sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ trong phiên họp tuần tới. Lãi suất tham chiếu kỳ hạn 1 năm tại đây hiện là -0,1%.
Hà Thu (theo Nikkei Asia Review, Kyodo News)