Tối 19-1, buổi trò chuyện trực tuyến cùng nhà văn Yoko Tawada, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ văn học Hồ Khánh Vân, dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên, Nguyễn Thị Ái Tiên, Nguyễn Thanh Tâm.
Buổi trò chuyện xoay quanh những tầng ý nghĩa sâu xa trong văn chương của Yoko Tawada với các tác phẩm tiêu biểu như: Hiến đăng sứ, Mắt trần.
Khôi hài và bi ai trong thế giới phản địa đàng
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng việc tạo ra một thế giới phản địa đàng, chỉ xã hội phát triển theo hướng tiêu cực là cách nhà văn Yoko Tawada đưa người đọc lạc vào cuộc sống vừa thực vừa ảo.
Cái hài và cái bi đều ở đó. Hài vì con người như bị biến thành con rối trong một trò chơi không biết ai giật dây. Bi vì con người vẫn ý thức được là nó sống, phải sống, nhưng chẳng biết sống thế nào.
Dưới góc nhìn của các dịch giả và nhà nghiên cứu, Yoko Tawada đã bỏ lửng cái kết của tác phẩm Hiến đăng sứ. Điều này gây ra nỗi tò mò rất lớn cho độc giả.
Khoảng cuối tác phẩm, nhà văn mô tả bóng tối "túm lấy" bộ não của nhân vật chính, cậu bé Mumei và rồi cậu rơi xuống vực sâu, chìm vào eo biển tối đen.
Bà lý giải khi con người lỡ rơi vào bóng tối thì đó cũng có thể là thời điểm mở ra một cánh cửa để tìm thấy ánh sáng.
Tuy nhiên trên phương diện của tác giả, bà không quyết định được đây là cái kết bi ai hay hạnh phúc, mà tùy vào góc nhìn của người đọc.
"Tương lai là một điều vô định, vô hạn. Tôi tin vào duyên số và nghĩ nó là điều quyết định" - nhà văn Yoko Tawada chia sẻ.
Trong tác phẩm Hiến đăng sứ của Yoko Tawada, người già còn sống thay phần cho người trẻ trong cơn thảm họa điêu tàn của Nhật Bản.
Vì vậy mà tiến sĩ Hồ Khánh Vân nhận định thế giới văn chương của Yoko Tawada có sự phi lý, lật ngược với thực tại.
Nữ nhà văn người Nhật luôn muốn có màu sắc khôi hài, bi ai và triết luận trong văn chương của mình. Bởi bà nghĩ nếu không trải qua bi ai thì cũng không thể tồn tại được trong đời sống này. Điều quan trọng là ta cần có dũng khí.
Và nếu sự khôi hài cũng không có trong người thì sẽ không bao giờ nghĩ ra được những điều mới mẻ.
Suy tư trong thời đại của Yoko Tawada
Hồ Khánh Vân cho biết Mắt trần là tác phẩm đầu tiên đưa nhà văn người Nhật đến với độc giả Việt Nam.
Trong Mắt trần, Yoko Tawada nhắc nhiều đến bộ phim Indochine (Đông Dương) của đạo diễn Régis Wargnier lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp, từng được trao Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất.
Nhân vật chính là một cô gái Việt Nam, một học sinh xuất sắc được chọn sang Đức để thuyết trình về dân tộc, đất nước mình.
Nữ nhà văn nói đó là hình ảnh phản chiếu của nhân vật công chúa Camille trong phim Đông Dương.
Bộ phim cũng mang đến cho bà một phần cảm hứng để viết Mắt trần.
Trong tâm tưởng của Yoko Tawada, bà luôn muốn viết một tác phẩm văn học thể hiện được cả ba chủ nghĩa Nho giáo, cộng sản, thực dân.
Bà cho rằng việc lấy bối cảnh ở Việt Nam trong Mắt trần đã giúp bà thỏa mãn được điều ấy.
Nữ tác giả chia sẻ: "Hệ thống trường học ở Nhật Bản chủ yếu phụ thuộc vào tư tưởng Nho giáo.
Và thời đó xung quanh tôi đều là những người theo chủ nghĩa thân cộng sản, nên đó là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi viết một tác phẩm giống Mắt trần".
"Hiến đăng sứ cũng đồng âm với khiển đường sứ (cùng đọc là “kentoshi”), chỉ các sứ giả Nhật đến Trung Hoa đời Đường để nhập biến văn minh đại lục cho Nhật trong thế kỷ thứ 7..." - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu giới thiệu.
Lý giải vì sao lại đặt tên nhan đề như vậy, nữ nhà văn người Nhật chia sẻ bà muốn tác phẩm của mình làm sống lại tinh thần học hỏi, tiếp thu của Nhật Bản.
Bởi lẽ từ thời đời Đường, Nhật Bản học rất nhiều thứ từ Trung Quốc ở văn hóa, thể chế xã hội.
Tiểu thuyết gia Yoko Tawada sinh năm 1960 ở Nhật; sinh sống và sáng tác tại Đức. Bà sáng tác bằng tiếng Đức và tiếng Nhật.
Bà nhiều lần được trao các giải thưởng như: giải Gunzo (dành cho những nhà văn mới phát hiện) với tác phẩm đầu tay Chú rể chó năm 1991. Với Chú rể chó, bà còn được trao giải thưởng danh giá Akutagawa vào năm 1993.
Năm 2003, bà được trao giải Tanizaki cho tác phẩm Nghi phạm trên chuyến tàu đêm; giải Sách quốc gia Mỹ ở hạng văn học dịch năm 2018…
“Ngay cả khi ở trong những khoảnh khắc hạnh phúc, đẹp đẽ nhất thì ta vẫn phải chứng kiến những cái chết xung quanh”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét về đoạn kết trong tác phẩm Người đẹp ngủ mê của nhà văn Kawabata Yasunari.