Trong các cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng, Tổng thống và lãnh đạo Quốc hội Hungary, phía bạn đều đánh giá rất cao vị thế của Việt Nam ở châu Á và trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Nhìn thấy những cơ hội to lớn
Chuyến thăm của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh cả Việt Nam và Hungary đều được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế tốt trong năm 2024. Việt Nam được dự báo tăng trưởng hơn 6%, trong khi Hungary là từ 2,4 - 3,6%, mức cao so với tỉ lệ tăng trưởng trung bình trong Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 18-1, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết chính sách hướng Đông của Hungary xuất phát từ ý tưởng Hungary cảm thấy thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng, cán cân quyền lực sẽ thay đổi và nước này sẽ phải đưa ra phản ứng nào đó trước sự trỗi dậy của châu Á.
Do đó, ông đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hungary, vì Việt Nam "đang trải qua giai đoạn phát triển chưa từng có". "Có thể dễ dàng dự đoán Việt Nam sẽ nằm trong số những quốc gia chiến thắng trong kỷ nguyên tới" - Thủ tướng Orban nói thêm.
Nhà lãnh đạo Hungary cho rằng trong hệ thống kinh tế thế giới mới chứng kiến sự trỗi dậy của châu Á, ông nhìn thấy những cơ hội to lớn cho dân tộc ông.
Ông cho biết trong thập niên qua, các quốc gia châu Á đã bắt kịp và bỏ lại các quốc gia châu Âu ở phía sau. "Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục" - ông dự đoán.
Phát biểu mở màn Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hungary vào ngày 19-1, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto khẳng định không có bất cứ rào cản chính trị nào giữa hai nước, chỉ có sự hợp tác dựa trên lợi ích chung. Ông kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp hai bên hãy tận dụng cơ hội này.
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trước đó, ông Szijjarto cho biết nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của Việt Nam mang lại cơ hội lớn cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu - đầu tư của Hungary.
Theo ông Szijjarto, xuất khẩu hằng năm của Hungary sang Việt Nam hiện trị giá khoảng 100 triệu USD, bao gồm các mặt hàng thịt gia cầm, thiết bị y tế và dược phẩm... Ông nói thêm hai bên cũng đang đàm phán để đưa thịt heo Hungary sang Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu các nước Đông Nam Á xuất khẩu sang Hungary với các mặt hàng nông sản truyền thống như hạt điều, quế, cà phê, gạo...
Bộ trưởng Szijjarto cũng không quên nhắc đến hiệp định thương mại tự do "đầy tham vọng" giữa Việt Nam và EU, cho rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai nước khi 99% thuế quan sẽ được loại bỏ trước năm 2030.
"Chúng tôi tin vào sự hợp tác văn minh giữa Đông và Tây. Bộ trưởng Szijjarto cho biết Hungary và Việt Nam cũng sẽ ký các thỏa thuận hợp tác về văn hóa và công nghệ quản lý nước, qua đó có thể góp phần xuất khẩu công nghệ trong nước" - ông Szijjarto chia sẻ.
Tiềm năng hợp tác lao động
Hiện nay Hungary đang thiếu hụt lao động nên rất cần nguồn lao động đến từ Việt Nam. Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hungary, Tuổi Trẻ trao đổi với ông Kuzmos Laszlo - chủ doanh nghiệp Get Work Trend - hoạt động trong lĩnh vực hợp tác lao động.
Ông Laszlo nói ông đến sự kiện để tìm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. "Tôi đã làm việc ở Việt Nam ba năm rồi. Chúng tôi là công ty tuyển lao động từ Việt Nam và trong thời gian qua chúng tôi đã đưa 3.000 lao động từ Việt Nam sang Hungary. Hiện nay chúng tôi muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các công ty Việt Nam để mở rộng hoạt động" - ông Laszlo cho biết.
Theo chủ doanh nghiệp Get Work Trend, do các nguyên nhân liên quan đến công nhận bằng cấp, phần lớn lao động Việt Nam sang Hungary được đào tạo ngay tại chỗ và làm việc trong các lĩnh vực như giao hàng, sản xuất ở nhà máy... Laszlo nói ông nhìn thấy cơ hội to lớn ở Việt Nam vì Việt Nam đang phát triển rất mạnh.
"Hiện Hungary cần 500.000 lao động. Chúng tôi chỉ mới đưa 3.000 lao động Việt Nam sang, nên bạn có thể thấy lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng" - ông nói.
Cũng có mặt tại diễn đàn doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Béla - trưởng đại diện của Get Work Trend tại Việt Nam - nói với Tuổi Trẻ rằng sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Hungary đối với Việt Nam là rất lớn "vì hai nước rất hợp nhau và có quan hệ rất sâu sắc".
Ông Béla cho rằng quan điểm của thủ tướng hai nước về thúc đẩy thương mại - đầu tư song phương rất tương đồng và sự ủng hộ cấp chính phủ rất quan trọng.
"Tuy nhiên, cuộc gặp cấp cao giữa hai thủ tướng chỉ mới mở đường mà chưa có sự hướng dẫn. Để thúc đẩy mối quan hệ thực chất, hiệu quả, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần hành động nhiều hơn để triển khai các kết quả đạt được từ chuyến thăm" - ông Béla nhấn mạnh.
Thủ tướng thăm chính thức Romania
Sau khi rời Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Romania từ ngày 20 đến 22-1.
Chuyến thăm nhằm khẳng định mong muốn của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, vốn được dày công xây dựng và vun đắp từ khi Việt Nam và Romania thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950.
Chiều 18-1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm tại Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Budapest.