12 nghệ sĩ điêu khắc gồm: Lê Lạng Lương, Lê Anh Vũ, Khổng Đỗ Tuyền, Trần Trọng Tri, Phạm Hà Hải, Vũ Đình Tuấn, Hoàng Mai Thiệp, Trần An, Thái Nhật Minh, Nguyễn Xuân Lục, Tống Ngọc, Duyên Đỗ.
Triển lãm điêu khắc Gốm Tết - Phồn II chính thức mở cửa từ nay tới hết ngày 20-3 tại Bat Trang Ceramic Art Space (232 Giang Cao, Bát Tràng, Hà Nội).
Tại sao phải triển lãm ở tận Bát Tràng, mà không phải trung tâm Hà Nội, để nhiều người có thể tiếp cận hơn?
Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri nói, nhóm họa sĩ muốn "một sự trở về với gốm truyền thống, gốm Việt".
Bát Tràng là một làng nghề sản xuất gốm thuần túy từ xưa đến nay. Ở đây gốm là mặt hàng dân dụng nhất.
Nghệ sĩ nắm bắt kỹ thuật, tinh thần của gốm để đưa vào đó những sáng tạo cũng như tư duy mới; qua đó thổi một làn gió mới, góp phần định hình lại chuỗi sản xuất ở đây, không chỉ mẫu mã mà còn ở nâng cao tính nghệ thuật cho gốm.
Trong cuộc đón Tết sớm theo một cách đặc biệt như vậy, có khá nhiều nghệ nhân làng Bát Tràng đến xem gốm đương đại thế nào.
Các họa sĩ đã chọn một cái tên dung dị nhất để ai cũng hình dung được, ai cũng có thể kết nối được: Phồn.
Phồn là phồn thực, nhưng cũng là phồn vinh. Rất mở. Tùy vào mỹ cảm, sáng tạo mỗi họa sĩ mà mỗi người có một ý tưởng khác nhau.
Đất - nguyên liệu chính làm ra gốm, gần với trồng trọt, chăn nuôi, là nguồn gốc sinh sôi của vạn vật. Bản thân trong đất có âm có dương…
Quá trình chuyển từ đất thành gốm, âm - dương hòa quyện và biến hóa liên tục. Tác phẩm cuối cùng là kết quả của sự vận hành đó.
Tinh thần của Phồn thể hiện trong chất liệu, hành vi, quá trình sáng tạo, tương tác và nuôi dưỡng cảm xúc.
TTO - Quá quen với những địa điểm vui chơi trong nội thành, cuối tuần này, nhiều bạn trẻ đã rủ nhau tạm rời thành phố, về vùng ngoại ô Hà Nội ghé thăm Bảo tàng gốm Bát Tràng.