vĐồng tin tức tài chính 365

Chế biến sâu giúp nông sản mở rộng thị trường

2024-01-21 15:19

Đa dạng hóa sản phẩm từ nhung hươu

Trước đây, bà Chu Thị Hồng Hà - ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - chỉ nuôi hươu sao để bán nhung hươu thô, còn hiện tại, bà đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu, như nhung khô tán bột, nhung khô thái lát, rượu nhung hươu các loại. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của bà Hà thu mua hơn 1,5 tấn nhung hươu để chế biến.

Cũng như nhiều nông dân ở huyện Hương Sơn, 20 năm trước, bà Hà từng đứng trước nguy cơ phá sản do hươu và nhung hươu thô rớt giá thê thảm. Nhiều hộ nuôi hươu bỏ nghề, không ít cơ sở phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Không bỏ cuộc, bà Hà vay tiền ngân hàng, lập doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm từ hươu sao. “Người ta chỉ mua nhung tươi để nấu cháo hoặc ngâm rượu và chỉ mua khi cần dùng ngay nhưng nếu mình sấy khô, chế biến, đóng gói thành các túi, lọ nhỏ thì giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau và họ có thể mua về dùng dần” - bà Hà nói.

Gừng được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn thái lát, sấy khô để chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu
Gừng được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn thái lát, sấy khô để chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu

Đến nay, nhiều nông dân ở huyện Hương Sơn đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu thay vì chỉ bán nguyên liệu thô. Tổng đàn hươu ở huyện Hương Sơn nay đã lên 45.000 con, hơn một nửa trong đó là hươu đực cho lộc (nhung), sản lượng ước đạt hơn 17 tấn/năm. Khoảng 6 tấn trong số đó được chế biến thành các sản phẩm, lợi nhuận tăng 30 - 50% so với bán nhung tươi. 

Chị Trần Thị Hường (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) cho hay, sau khi được chế biến thành các sản phẩm, nhung hươu được tiêu thụ nhiều và ổn định hơn. Nhờ đó, các cơ sở chế biến nhung hươu cũng đặt mua nhung tươi nguyên liệu nhiều, đều hơn trước. Các hộ chăn nuôi như chị cũng yên tâm nuôi hươu hơn và mạnh dạn tăng đàn.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn - hươu sao là vật nuôi chủ lực của huyện, giúp người dân thu về hơn 400 tỉ đồng mỗi năm. Những năm qua, cùng với việc tăng tổng đàn, nâng cao sản lượng nhung hươu, UBND tỉnh, huyện cũng chú trọng hỗ trợ việc chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác nhau. Đây là cách để nhung hươu Hương Sơn có thể trở thành mặt hàng có giá trị cao, có thể xuất khẩu. 

“Trước đây, chỉ một bộ phận khách hàng nhỏ mua nhung hươu, giá cả không ổn định. Nay nhờ có nhiều doanh nghiệp chế biến sâu, nhung hươu được nâng tầm về chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, giá cả cũng cao và ổn định hơn. Chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh, các bộ, ngành nghiên cứu cách kết hợp mang tính khoa học giữa nhung hươu với các sản phẩm khác để nâng cao giá trị và đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm làm từ nhung hươu, hướng tới xuất khẩu” - ông Nguyễn Kiều Hưng nói.

Cam vào siêu thị, gừng ra các nước

Với mong muốn tạo ra sản phẩm có giá trị từ củ gừng, giải quyết đầu ra ổn định cho nông dân, ông Nguyễn Văn Luân - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện Hương Sơn - đã liên kết với hàng trăm nông hộ người H’mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để trồng gừng theo tiêu chuẩn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp hữu cơ, bà con đã trồng ra được củ gừng đẹp, đồng đều, đạt sản lượng gần 30 tấn/ha, gấp đôi so với trước. 

Trước đó, ông Luân đã đầu tư máy móc hiện đại để chế biến củ gừng thành tinh dầu gừng, tinh bột gừng, bột gừng, cao gừng, gừng sấy dẻo… Mỗi năm, hợp tác xã thu mua hơn 1.000 tấn gừng để sản xuất, cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Theo ông, huyện Kỳ Sơn có thổ nhưỡng, khí hậu rất hợp với cây gừng nhưng do người dân trồng chưa đúng kỹ thuật nên củ nhỏ, mẫu mã không đẹp, rất khó để xuất khẩu. 

“Nhu cầu về gừng ở các nước Tây Á, Trung Á rất lớn nhưng củ gừng của người dân Kỳ Sơn không đạt yêu cầu về mẫu mã nên chỉ bán được trong nước, dẫn tới đầu ra bấp bênh, nông dân chán nản. Từ khi trồng gừng theo yêu cầu kỹ thuật của hợp tác xã, củ gừng của người dân Kỳ Sơn đạt chuẩn xuất khẩu nên đầu ra, giá cả ổn định hơn” - ông Luân cho hay.

Ông Nguyễn Thái Tuấn - Trưởng phòng Chế biến và Phát triển thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nghệ An - cho biết, đã có một số loại nông sản ở tỉnh Nghệ An như dứa, mía, gừng được chế biến sâu để xuất khẩu, nhưng chủng loại cũng như số lượng còn rất khiêm tốn. Việc chế biến sâu các loại nông sản là chìa khóa để tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đồng thời nâng cao giá trị của sản phẩm. Do đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trang bị thiết bị, công nghệ, bao bì phục vụ việc chế biến sâu nông sản”. 

Phan Ngọc

Xem thêm: lmth.1430151a-gnourt-iht-gnor-om-nas-gnon-puig-uas-neib-ehc/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Chế biến sâu giúp nông sản mở rộng thị trường ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools