Theo Hãng tin AP, núi lửa Merapi nằm ở ranh giới giữa tỉnh Trung Java và tỉnh Yogyakarta (Indonesia) phun trào hôm 21-1, khiến các đám mây tro bụi lan rộng, dòng dung nham chảy dài 2km xuống sườn núi.
Ông Agus Budi Santoso, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu công nghệ thảm họa địa chất Indonesia, cho biết thêm cột tro bụi nóng cao 100m cũng xuất hiện sau khi núi lửa Merapi phun. Cho đến nay, giới chức địa phương chưa ghi nhận thương vong.
Merapi là núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 núi lửa còn đang hoạt động trên khắp Indonesia.
Khoảng 250.000 người đang sinh sống trong phạm vi 10km từ ngọn núi lửa cao 2.968m này.
Vụ phun trào hôm 21-1 là vụ phun trào mới nhất kể từ khi các nhà chức trách địa phương nâng mức cảnh báo lên mức 3 trên thang 4 mức cảnh báo hồi tháng 11-2020.
Người dân sống gần khu vực núi lửa Merapi được khuyến cáo nên tránh xa miệng núi lửa ít nhất 7km, đồng thời lưu ý các mối đe dọa có thể xảy ra do dòng dung nham nóng chảy xuống từ sườn núi.
Năm 2010, một vụ phun trào núi nửa Merapi đã khiến 347 người chết, 20.000 người phải sơ tán.
Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia cho biết trong một thông báo trên mạng xã hội X (Twitter) rằng một số ngọn núi lửa khác cũng bất ngờ hoạt động trên khắp Indonesia, buộc chính quyền địa phương phải sơ tán hàng ngàn người.
Cơ quan này cho biết núi lửa Lewotobi Laki Laki ở tỉnh Đông Nusa Tenggara đã phun những đám mây nóng cao tới 700m hôm 21-1, khiến hơn 6.500 người phải sơ tán.
Cũng trong ngày 21-1, núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra bất ngờ phun trào trở lại. Đây là vụ phun trào lớn thứ ba trong tháng ở núi lửa này. Khoảng 500 người dân sinh sống gần đó phải sơ tán.
Tháng trước, núi lửa Marapi phun trào khiến 23 người leo núi thiệt mạng, một số người khác bị thương.
Ngoài ra, một số núi lửa khác cũng phun trào trong những ngày gần đây như núi lửa Semeru ở tỉnh Đông Java phun trào hôm 20-1, núi lửa Ibu trên đảo Halmahera ở tỉnh Bắc Maluku phun một cột tro nóng cao tới 1.300m trong tuần qua.
Quốc đảo Indonesia là nơi thường xuyên xảy ra động đất và các vụ phun trào núi lửa do quốc gia này nằm trên “vành đai lửa” của Thái Bình Dương.
TTO - Núi lửa Anak Krakatau đã gia tăng hoạt động kể từ giữa tháng 1-2022. Cơ quan Địa chất Indonesia cảnh báo người dân tránh xa khu vực cấm 2km xung quanh núi lửa này.