Trong tối 19-1, trước khi diễn ra trận bóng đá Việt Nam - Indonesia, một bạn đọc thông qua tuoitre.vn đã đề xuất ban chỉ huy cho giải lao để theo dõi cổ vũ cho đội nhà.
Mong muốn là thế nhưng cả chủ đầu tư, nhà thầu và công nhân trên công trường hiểu rằng họ không được lãng phí thêm giây phút nào nữa. Cả đất nước đang nhìn về họ. Công trình phải hoàn thành đúng hẹn.
Cứ nhìn cảnh chen chúc ở sân bay Tân Sơn Nhất, cảnh máy bay bay lòng vòng chờ đáp... mới ước gì sân bay Long Thành đã hoạt động.
Hơn nữa, hàng chục ngàn tỉ đồng để xây sân bay Long Thành chính là những cú hích để tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế, giúp hàng ngàn công nhân có việc làm.
Và xa hơn, khi sân bay hoạt động, lại tạo ra sức bật mới cho kinh tế của khu vực phía Nam. Không thể lãng phí thêm giây phút nào là vì thế.
Nhưng có bao nhiêu dự án khắc phục như sân bay Long Thành? Thật sự xót xa khi còn quá nhiều những dự án, công trường làm cầm chừng, cửa đóng then cài, thậm chí đắp chiếu bởi vì vướng thủ tục, vướng đền bù giải tỏa...
Hàng ngàn tỉ đồng vốn đã được bố trí nhưng không thể đem ra xài, tiền không thể bơm vào nền kinh tế cho công nhân có việc làm, người lao động có thu nhập, doanh nghiệp có doanh thu, nền kinh tế có thêm tăng trưởng! Như dự án đường vành đai 2 ở TP Thủ Đức sáu năm chưa xong, mỗi tháng phải trả lãi 15 tỉ đồng.
Đoạn này chỉ dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa được khởi công từ năm 2017, dừng thi công từ tháng 6-2020. Dự án nào cũng rơi vào cảnh tối đèn, đó là tai họa cho nền kinh tế.
Năm 2023 chúng ta đã nỗ lực nhưng vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Năm 2024 cũng được xem là năm cực kỳ khó khăn. Vì thế, những công trường sáng đèn ngày đêm, làm xuyên lễ, Tết được xem là đòn bẩy để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra tăng trưởng.
Dự án sân bay Long Thành từng trễ hẹn. Giờ đây, tất cả đang khắc phục, cố lấy lại phần nào thời gian đã mất vì chậm trễ.
Công trường phải sáng đèn, bất kể lễ Tết. Bởi khi những dự án lớn, trọng điểm về đích, đưa vào phục vụ người dân, đã tạo ra sự hứng khởi, lòng tin trong nhân dân. Như cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nối liền TP.HCM về vựa nông sản miền Tây.
Lúc này người dân ở phía Nam đang nhìn về công trường xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nút giao An Phú, quốc lộ 50, đường nối đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn...
Hay như đại công trường Bến Lức - Long Thành nối miền Đông và miền Tây Nam Bộ sau bao năm ngưng trệ cũng đang thi công trở lại.
Rồi đường vành đai 3 TP.HCM, dự án lớn lịch sử ở phía Nam cả về quy mô, tổng mức đầu tư và đạt kỷ lục về thời gian triển khai. Hàng loạt dự án đường cao tốc đang triển khai ở ĐBSCL...
Người dân từng quen với căn bệnh dự án chậm tiến độ. Nay thì phải gột bỏ tận gốc căn bệnh này.
Người dân sẽ "điểm danh" các công trường sáng đèn, bởi chậm là mất tiền, là đội vốn, là mất cơ hội phát triển, là tước đi cơ hội có việc làm của người lao động, cơ hội bán hàng của doanh nghiệp, mưu cầu ấm no của người dân...
Sau 3 năm khởi công, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 bước vào giai đoạn cao trào với việc thi công cùng lúc 3 gói thầu trọng điểm. Theo chủ đầu tư, đến nay dự án cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.