Những ngày này, khi đi qua khu vực trung tâm TP có giao thông kiểu bàn cờ với nhiều ngã tư, ta thường thấy cảnh ô tô khóa đường khi chắn ngang ngã tư, cắt ngang dòng xe ở đường giao nhau.
Nguyên nhân là do tài xế cố chạy bám đuôi xe trước hoặc đã có đèn vàng, thay vì chạy chậm để dừng lại nhưng vẫn tăng tốc vào ngã tư, bị vướng xe trước không thể thoát ra, đành chắn ngang ngã tư.
Đau đầu với ô tô khóa đường
Với những khu vực giao thông kiểu bàn cờ, có nhiều ngã tư, chỉ cần một ngã tư tắc là cả khu vực rơi vào ùn ứ, giao thông dễ hỗn loạn do xe nào cũng muốn nối đuôi vượt qua. Đó là một trong những nguyên nhân tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng trong những ngày cận Tết, kể cả giờ thấp điểm.
Ai cũng bức xúc. Có người nói phải phạt thật nặng ô tô nối đuôi, tăng tốc vào ngã tư khi có đèn vàng. Cũng khó. Khi mà giao thông kẹt cứng như vậy, chẳng CSGT nào ra giấy phạt mà chủ yếu lo điều tiết cho đường sớm trở lại thông thoáng.
Có người nói thôi CSGT cứ điều tiết rồi chuyển sang phạt nguội. Về lý cũng có thể được. Nhưng người bị phạt sẽ không tâm phục khẩu phục với đủ lý do như: bao nhiêu xe vượt rồi khóa đường, sao phạt tôi; tôi khóa đường là do xe trước không di chuyển, dù đang là đèn xanh... Xem ra áp Luật Giao thông trong các trường hợp này cũng khó.
Nhưng có cầm lái mới thấy cái khó của người tài xế. Không bám đuôi, không tăng tốc vào ngã tư khi có đèn vàng, thậm chí đèn đỏ, thì ở làn đường cắt ngang các tài xế khác cũng cứ nối đuôi, có đèn đỏ vẫn vào ngã tư để cố duy trì dòng lưu thông. Anh dừng lại có nghĩa là xe "mất quyền" di chuyển, chịu chôn chân, bị tài xế xe phía sau càm ràm vì đã chấp hành luật để nhường đường cho các tài xế coi thường luật.
Dường như chúng ta đang giao thông không tuân theo luật, giành giật đường mà đi, chẳng còn tuân thủ nguyên tắc đến trước đi trước, cũng chẳng nghĩ mình bám đuôi, tăng tốc vào ngã tư khi có đèn vàng sẽ dẫn đến hậu quả khóa đường càng làm kẹt xe thêm trầm trọng.
Vậy xử sao với ô tô cố tình khóa đường? Tranh luận, ai cũng đúng. Trách ai cũng được. Nhưng xe khóa đường vẫn cứ khóa. Có lẽ việc đúng sai tạm phải chờ trong điều kiện bình thường.
Còn những ngày cận Tết, khi giao thông tăng đột biến, ai cũng vội, chỉ có giải pháp hữu hiệu là có người điều tiết giao thông. Thêm CSGT, các anh chị trật tự viên giao thông, các bạn dân phòng... túc trực ở các ngã tư để buộc mọi người tuân thủ nguyên tắc giao thông may ra mới bớt kẹt xe.
Chúng ta không thể mở thêm đường trong khi lượng xe vẫn tăng thêm. Kêu gọi ý thức chấp hành Luật Giao thông cũng không hiệu quả. Chỉ mong có thêm lực lượng điều tiết giao thông, khi đó CSGT có thể phạt, kể cả phạt nguội những tài xế cố tình không tuân thủ quy định.
Vượt đèn vàng, cố rướn ở ngã tư gây kẹt xe dính chùm
Những ngày qua, tại nhiều nơi có mật độ giao thông cao ở TP.HCM thường xảy ra dòng xe vượt đèn vàng, đèn đỏ đi thành đoàn chắn ngang ngã tư, dẫn đến kẹt xe lan ra các khu vực khác.
Trong đó một số khu vực như Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình), Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1)... có lúc kẹt cứng bởi tình trạng này.
Dù đèn vàng sáng và chuyển sang đỏ, hàng chục người vẫn cứ nối đuôi nhau rướn qua vạch dừng rồi chắn ngang giao lộ dẫn tới xung đột giao thông với dòng xe đang được phép đi (phía đường đang đèn xanh).
Thậm chí, một số nơi còn kẹt lan nhanh chóng như Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị kẹt lan đến Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định, Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng lan đến Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa...
Anh Nguyễn Ngọc Trường (doanh nghiệp vận tải thư tín) - cho biết việc không tuân thủ đèn tín hiệu là do ý thức kém rồi thành thói quen của đông đảo người đi đường, cả xe máy và ô tô.
"Có lần tôi đi ô tô đến giao lộ Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa thấy đèn xanh còn 1 giây sẽ chuyển vàng, tôi định dừng nhưng xe phía sau liên tục bấm còi thúc giục tôi hòa vào đoàn người vượt đèn. Thế nhưng tôi vừa vượt qua vạch dừng đến giữa giao lộ thì dòng xe từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã băng qua chặn lại.
Đang giờ cao điểm chiều, cả hai dòng xe đều không nhúc nhích khiến cả khu vực tê liệt. Tôi nhận ra đôi khi mình không chủ ý vượt đèn giao thông nhưng tâm lý bắt chước đám đông của mình có thể làm tăng kẹt xe, cần sửa đổi", anh Trường kể.
Lãnh đạo một đội cảnh sát giao thông ở TP.HCM cho biết việc người dân cố rướn vượt đèn vàng, đèn đỏ là một trong những nguyên dẫn đến tai nạn và xảy ra tình trạng ùn ứ vào các khung giờ cao điểm.
"Theo quy định, người nào vượt đèn vàng sẽ bị xử lý hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" (kể cả vượt đèn vàng và đèn đỏ). Vì vậy, lực lượng chức năng thường xuyên xử lý các trường hợp cố tình vượt đèn vàng, đèn đỏ, góp phần giảm tình trạng mất trật tự an toàn giao thông".
Các nước: chắn giao lộ bị phạt nặng
Theo Luật Giao thông tại Úc, tài xế sẽ vi phạm luật nếu lái xe vào giao lộ nhưng sau đó lại không thể vượt qua giao lộ này. Luật này được diễn giải như sau: "Đi vào giao lộ có cản trở, lái xe không được đi vào một giao lộ nếu họ không thể vượt qua giao lộ đó, khi giao lộ đó hoặc đường đi nối giao lộ đó đang có cản trở".
"Giao lộ có cản trở" được giải thích thêm là giao lộ hoặc đường nối giao lộ có khả năng đang bị tắc nghẽn do kẹt xe vì một phương tiện bị hư hỏng, một va chạm giữa các phương tiện hay giữa phương tiện với người đi bộ hoặc có vật rơi giữa đường.
Tại bang New South Wales (Úc), lái xe "không được đi vào giao lộ trừ khi có chỗ cho phương tiện trong làn phù hợp phía bên kia giao lộ". Luật này được áp dụng cho tất cả các giao lộ và đường giao cắt, bao gồm giao lộ có đèn giao thông, đường giao nhau với đường sắt và vạch kẻ đường cho người đi bộ. Mức phạt ở bang New South Wales cho vi phạm chắn giao lộ là 272 AUD (180 USD).
Theo báo Herald-Tribune, tại hạt Manatee, bang Florida (Mỹ) mức phạt cho tài xế chắn giao lộ là 166 USD. Theo cảnh sát Mỹ, hành vi chắn giao lộ khi đang đèn đỏ có thể gây cản trở luồng xe băng qua và hạn chế khả năng di chuyển trên lối qua đường cho người đi bộ hay làn đường dành cho xe đạp.
Tại thành phố Montreal (Canada) cảnh sát cũng đã tổ chức các đợt "phát vé phạt" cho các tài xế cố tình lao nhanh qua các giao lộ. Theo đó, tài xế phải đảm bảo có đủ chỗ cho xe khác qua giao lộ khi đèn xanh để xe của họ không kẹt lại và không nên vượt khi đèn vàng. Mức phạt cho tài xế vi phạm ở thành phố Montreal là từ 110-175 CAD (80-130 USD).
Cuối năm, dòng người đi lại, vận chuyển cứ nối đuôi nhau qua ngã tư, vượt đèn vàng, đèn đỏ khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng. Ai cũng ngán kẹt xe nhưng nếu ai cũng cố chen lấn thì khó lòng giải quyết kẹt xe.