Chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) giảm xuống gần mức thấp nhất trong 15 tháng, nối dài chuỗi 3 tuần giảm điểm liên tiếp khi các nhà đầu tư tiếp tục cảm thấy thất vọng vì thiếu các biện pháp kích thích để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cũng đã làm tăng thêm sức ì chính sách.
Chỉ số Hang Seng giảm 2,3% xuống 14.961,18 điểm vào hôm thứ Hai, gần tương đương với mức sụt giảm vào tháng 10/2022, trước khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero-Covid vào tháng sau đó. Chỉ số Hang Seng Tech Index cũng giảm 3%.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, tình trạng sụt giảm còn rõ ràng hơn. Chỉ số Shanghai Composite Index giảm 2,7% xuống mức chưa từng thấy kể từ tháng 4/2020, trong khi chỉ số Shanghai Composite Index toàn thị trường giảm 4,5%. Ngoại trừ ba trong số 82 công ty thành viên, thì tất cả đều sụt giảm.
Theo đó, đối với các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, giá cổ phiếu của Tencent giảm 3,3% xuống còn 262,20 đô la Hồng Kông (HKD)/cp, Meituan giảm 4,7% xuống còn 65,40 HKD/cp và Baidu giảm 3,6% xuống còn 95,60 HKD/cp. Đối với các nhà phát triển bất động sản, China Resources Land chứng kiến mức giảm 11% xuống còn 20,50 HKD/cp và Longfor giảm 10% xuống còn 7,92 HKD/cp.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết hôm thứ Hai rằng lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm của Trung Quốc đang ở mức 3,45%, không thay đổi kể từ tháng 8 năm ngoái. Lãi suất 5 năm vẫn ở mức 4,2%, không thay đổi kể từ lần cắt giảm cuối cùng vào tháng 6 năm ngoái.
Kết quả này dường như củng cố niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ không đưa ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ hoặc lật ngược chính sách “ba ranh giới đỏ” nhằm giải cứu các nhà phát triển bất động sản và xoa dịu các nhà đầu tư chứng khoán. Đầu tháng này, PBOC đã giữ nguyên lãi suất chính sách then chốt, ngược với kỳ vọng của thị trường về cắt giảm lãi suất.
Chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 12% trong năm nay và được coi là khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 2016, sau khi số liệu kinh tế thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Thị trường bất động sản, từng là trụ cột chính cho thành công kinh tế của Trung Quốc, vẫn đang phải vật lộn vì Bắc Kinh siết chặt cho vay kể từ tháng 8/2020.
Các chuyên gia kinh tế của Barclays, trong đó có Jian Chang, cho biết phản ứng chính sách của Trung Quốc tiếp tục không đạt được kỳ vọng của thị trường và chưa mang lại niềm tin hay nỗ lực để vượt qua rủi ro giảm phát. Họ cho biết thêm, tiêu dùng ì ạch và đầu tư bất động sản bị thu hẹp sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng trong năm 2024.
Theo SCMP