Đó là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, vừa có chức năng kỹ thuật (phân định và ngăn cách lòng đường và nhà trên đường, trồng cây xanh, cột điện, nhà chờ xe buýt hoặc một số chức năng khác...) vừa có chức năng văn hóa: đi bộ, nơi giao lưu của cộng đồng, là không gian đặc trưng của đô thị trong đó có chức năng kinh tế.
Do đó, vỉa hè là tài sản công cộng cần được nhà quản lý điều hành và phân bố sao cho việc sử dụng phù hợp từng khu vực và quyền lợi của các nhóm cộng đồng ở đô thị.
Sinh hoạt của cộng đồng ở vỉa hè là một đặc trưng tại các đô thị lớn. Đây là những hoạt động kiến tạo các không gian giao tiếp sinh động và linh hoạt; khách bộ hành hay người đi đường cảm nhận được sự hấp dẫn từ các sản phẩm đa dạng, việc mua bán nhộn nhịp, các hoạt động sống động khác.
Không gian giao tiếp vỉa hè từ lâu đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với con người Việt Nam mà còn đối với khách du lịch quốc tế, góp phần đa dạng hóa các không gian công cộng, tăng cường gắn kết quan hệ giữa con người với con người.
Từ nhiều năm qua, việc lập lại trật tự vỉa hè thành phố luôn khó khăn và hiệu quả không cao bắt nguồn từ hai nhân tố. Thứ nhất, về phía người dân, lối sống sinh hoạt kinh tế - văn hóa từ hàng chục năm nay là buôn bán ở nhà mặt tiền hay trên vỉa hè tiện mua thuận bán. Những hoạt động này thật ra là theo quy luật của đô thị.
Thứ hai, về phía chính quyền, không có quy hoạch sử dụng vỉa hè hợp lý để đưa vào luật định, xử lý vấn đề chưa quyết tâm vì còn "đo lường" dư luận. Chính vì vậy hiệu quả không như mong muốn, thậm chí các "chiến dịch dọn dẹp lòng đường vỉa hè" còn để lại hình ảnh thiếu thân thiện với người dân.
Trong phạm vi giới hạn của đô thị, chia sẻ không gian công cộng đa chức năng như vỉa hè là một bài toán phải được giải trên cơ sở vì quyền lợi chung của đô thị và quyền lợi riêng của từng cộng đồng. Lo cho người đi bộ cùng với lo chỗ để xe, giữ xe cho người đi xe máy; xây dựng văn minh đô thị luôn cần quan tâm những người lấy vỉa hè làm nơi buôn bán kiếm sống, xây dựng các cao ốc hiện đại cũng phải đảm bảo sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Bởi vì đô thị là của tất cả những người đang góp phần vào sự phát triển và làm nên sức sống của nó. Cũng cần chú ý nhu cầu của người có nhà mặt tiền bởi không phải ai cũng buôn bán hay cho thuê vỉa hè trước nhà.
Khi sử dụng vỉa hè - không gian công cộng - thì cần đóng góp trở lại bằng thuế, phí một cách sòng phẳng. Nhưng cần chú ý thêm là không phải vỉa hè nào cũng có thể cho thuê và có thể sử dụng như nhau. Quy hoạch vỉa hè chú ý đặc điểm chung của cả khu vực để tổ chức hoạt động cho phù hợp và mang lại lợi ích cho xã hội.
Do vậy bắt đầu từ phía chính quyền cơ sở là phường, quận có những thông tin, số liệu cụ thể, đặc điểm ngành nghề "kinh tế vỉa hè" và hoạt động khác trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý kết hợp hệ thống giao thông công cộng (bến xe buýt, ga metro...). Từ đó đề xuất những quy định cách thức sử dụng, hoạt động, sau đó mới là quy định về thuế, phí và sau nữa mới là biện pháp xử phạt minh bạch, nghiêm túc.
Vỉa hè còn là không gian văn hóa đô thị, trong đó "kinh tế vỉa hè" cũng là một hoạt động văn hóa. Vì vậy, tôi cho rằng cần tạo điều kiện và có những chế tài phù hợp cho người dân kiếm sống trong hoàn cảnh cho phép, đóng góp lợi nhuận cho xã hội, đồng thời lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống.
Việc quản lý các không gian công cộng như vỉa hè không phải chỉ từ thuế, phí mà còn từ tổ chức hoạt động một cách khoa học, hữu ích, công bằng cho mọi người dân.