Ông Nguyễn Chiến Thắng và Đào Công Thiên, cựu chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng các bị cáo nguyên là lãnh đạo các sở ngành, được đưa đến TAND Khánh Hòa khá sớm. Họ bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, với cáo buộc gây thiệt hại ngân sách Nhà nước ở thời điểm năm 2015 là hơn 5,6 tỷ đồng; còn tại thời điểm ngày 6/1/2022 (phát hiện sai phạm) là 357 tỷ đồng.
Các lực lượng giữ an ninh phiên tòa có mặt ở nhiều khu vực, chỉ cho những người có giấy triệu tập của tòa vào trong và phải đi qua máy an ninh soi chiếu.
Đây là vụ án thứ 4 ông Nguyễn Chiến Thắng bị xét xử về các sai phạm liên quan giao đất "vàng" cho doanh nghiệp. Các bị cáo khác gồm: Vũ Xuân Thiềng, cựu phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường; Nguyễn Ngọc Tâm, cựu phó giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Văn Nhựt, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư; Trần Sỹ Quân, cựu phó Cục Thuế.
Riêng bị cáo Võ Tấn Thái, cựu giám đốc sở Tài nguyên Môi trường; Trần Quang Bửu, cựu phó giám đốc Sở Xây dựng; Lê Huy Toàn, cựu phó chủ tịch UBND TP Nha Trang có đơn xin xét xử vắng mặt.
Do ông Thắng và Thiên đều có bệnh nền, nên được HĐXX cho phép ngồi trả lời thẩm vấn.
Theo cáo trạng, năm 2011, Thủ tướng đồng ý cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện làm tuyến đường Lý Thái Tổ (huyện Cam Lâm) theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, địa phương bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch cho nhà đầu tư lập dự án kinh doanh khai thác, thu hồi vốn.
Chính quyền Khánh Hòa sau đó sử dụng khu đất rộng 22.340 m2 (trước đây thuộc Nhà nghỉ Tỉnh ủy) nằm ở Bãi Dương, TP Nha Trang, cho Công ty Cổ phần đầu tư Viễn Triều Nha Trang (nay sáp nhập vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh) thực hiện dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus (hiện là Mường Thanh Viễn Triều).
Khu đất này vốn được quy hoạch là đất đô thị đa chức năng, khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch, chiều cao tối đa 40 tầng.
VKS cáo buộc, quá trình UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện chỉ định nhà đầu tư, giao đất cho doanh nghiệp làm dự án đã xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, năm 2012, ông Nguyễn Chiến Thắng, với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh, đã có quyết định giao đất có thu tiền cho Công ty Cổ phần đầu tư Thiên Triều (Công ty Thiên Triều) thực hiện dự án Khu phức hợp Thiên Triều, trên cơ sở giá thuê đất do các ngành chức năng của tỉnh tham mưu, đề xuất.
Việc UBND tỉnh chỉ định thầu cho Công ty Thiên Triều bị cho là không đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định pháp luật. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, công ty này không thực hiện dự án, không đóng tiền thuê đất mà đến năm 2014 xin chuyển dự án cho Công ty Viễn Triều Nha Trang và được tỉnh chấp thuận.
Tại thời điểm này, dự án đường Lý Thái Tổ chưa thực hiện xong, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc chuyển dự án cho công ty khác là chưa phù hợp với Nghị định 108/2009 của Chính phủ.
Về sai phạm trong phê duyệt quy hoạch, nhà chức trách cho rằng, UBND tỉnh thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus, chiều cao 47 tầng, là không đúng quy hoạch chung của TP Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2012.
UBND tỉnh đã giao đất cho Công ty Thiên Triều thực hiện dự án Khu phức hợp Thiên Triều không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai, điều 61 Nghị định 181/2004 của Chính phủ.
Ngoài ra, việc thu hồi đất của Công ty Thiên Triều để giao cho Công ty Viễn Triều Nha Trang thực hiện dự án Khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và không đúng đối tượng, vì hai công ty này là hai pháp nhân độc lập.
Nhà chức trách cũng cáo buộc, Hội đồng thẩm định giá đất và đơn vị tư vấn sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp để xác định giá đất 9,2 triệu đồng/m2 là không đúng (không đủ điều kiện để áp dụng theo quy định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn). Việc này dẫn đến ngân sách Nhà nước bị thất thoát ở thời điểm năm 2015 là hơn 5,6 tỷ đồng; còn tại thời điểm ngày 6/1/2022 (phát hiện sai phạm) là 357 tỷ đồng.
Tiếp đó, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Viễn Triều Nha Trang khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (cụ thể là nộp tiền thuê khu đất 22.340 m2 là 11,2 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2013-2015) là vi phạm Điều 98 Luật Đất đai năm 2013. Số tiền này đã được chủ đầu tư nộp vào ngân sách trước khi cơ quan cảnh sát thụ lý điều tra vụ án.
Nhà chức trách xác định, cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Chiến Thắng và cấp dưới Đào Công Thiên sai phạm khi cấp phép đầu tư, phê duyệt giá đất... cho doanh nghiệp làm dự án Mường Thanh Viễn Triều. Trong đó, ông Thắng với vai trò là người đứng đầu tỉnh, đã chỉ đạo thực hiện chỉ định nhà đầu tư không tổ chức đấu thầu, giao đất cho nhà đầu tư trái quy định pháp luật.
Còn ông Thiên là người chịu trách nhiệm chính trong việc ký ban hành quyết định phê duyệt giá đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần đầu tư Viễn Triều Nha Trang.
Ông Võ Tấn Thái đã ký văn bản tham mưu UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trái quy định pháp luật. 6 bị cáo còn lại là cựu thành viên Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, chịu trách nhiệm trong việc xác định giá đất không đúng quy định pháp luật.
Trong vụ án này, ông Thắng chỉ nộp khắc phục 20 triệu đồng, các bị cáo khác nộp tổng cộng 50 triệu đồng. Phiên tòa lần này dự kiến kéo dài nhiều ngày.
Hồi tháng 12/2023, ông Thắng bị TAND tỉnh Khánh Hòa phạt 5 năm 6 tháng tù (tổng hợp với các bản án trước là 17 năm 6 tháng tù); ông Đào Công Thiên lĩnh 3 năm 6 tháng tù (tổng hợp với các bản án trước là 10 năm 6 tháng tù); ông Võ Tấn Thái lĩnh 4 năm tù (tổng hợp với các bản án trước là 10 năm tù) do sai phạm giao đất làm dự án Nha Trang Golden Gate, gây thiệt hại gần 138 tỷ đồng.
Trước đó, khi nói lời sau cùng, ông Thắng cho biết cảm thấy nhẹ nhõm, không hổ thẹn với những gì đã làm cho nhân dân, cho tỉnh Khánh Hòa. Ông cho biết đã cùng cấp dưới mạnh dạn tạo các cơ chế thông thoáng, giải quyết khó khăn vướng mắc, các thủ tục không cần thiết, áp dụng các cơ chế mới, các mô hình mới trong phát triển bất động sản du lịch, đất ở không hình thành đơn vị ở (không có trong Luật Đất đai) nhằm thu hút nguồn tài chính trong dân và doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Nhưng do năng lực còn hạn chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ, đã gây khó khăn trong việc áp dụng cho người thực thi. Việc có những sai sót xảy ra trong quá trình xử lý công việc là khó tránh khỏi.
Bùi Toàn