'Rét đến mấy, các con cũng đến trường'
Ngải Thầu là thôn nằm ở địa thế cao nhất của xã vùng biên A Lù (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Điểm trường tiểu học và mầm non cùng tên nằm ở giữa thôn là nơi học tập của 111 em học sinh.
Sáng 23-1, nhiệt độ tại đây có lúc xuống dưới 0 độ C, trời rét tê tái nhưng từ sớm, từng tốp học sinh đã nô nức đến điểm trường. Có em được cha mẹ đưa đi, nhưng phần lớn là tự đi bộ đi học. Giữa tiết trời giá rét, sĩ số các lớp gần như đầy đủ, chỉ trừ một số học sinh bị ốm.
"Đồng bào giờ nhận thức được ý nghĩa của việc đi học, đồng thời Nhà nước cũng hỗ trợ nhiều cho các cháu nên bây giờ ai cũng tự giác đưa con đến trường. Dù tiết trời có khắc nghiệt đến mấy, các em cũng có mặt trên lớp đúng giờ", cô Vũ Thu Huyền (giáo viên khối mầm non tại điểm trường Ngải Thầu) nói.
Trong mưa mù và giá rét, từng tốp học sinh vẫn cắp sách đến trường từ sáng sớm - Ảnh: HỒNG QUANG
Các hoạt động ngoài trời trong thời gian này được tạm dừng, học sinh nhanh chóng di chuyển vào lớp để học tập và rèn luyện - Ảnh: HỒNG QUANG
Những ngày này, giờ ngủ trưa của các em được trang bị thêm 2 lớp chăn cùng các quạt sưởi. Vậy nhưng tiết trời khắc nghiệt khiến không ít học sinh khó có thể vào giấc - Ảnh: HỒNG QUANG
Bếp lửa tri thức giữa ngày đông giá rét
Tranh thủ giờ ngủ trưa của học trò, các giáo viên tại điểm trường Ngải Thầu tranh thủ ăn vội bát cơm. Mâm cơm của các cô có một chút rau và một bát thịt. Thế nhưng khi chỉ vừa bê ra được 5 phút, bát thịt lập tức đông lại.
Ăn cơm xong, các cô giáo nhanh chóng vào bếp chuẩn bị bữa ăn nhẹ đầu giờ chiều cho học trò. Người thì pha sữa, người thì bóc bánh rồi chuẩn bị sẵn áo rét khi các con dậy. Tiết học của trẻ được bắt đầu khi bếp lửa ở giữa lớp được nhóm lên.
Cả lớp cứ thế ngồi quanh, đọc vang con chữ.
Đây cũng là lúc bữa chiều của học sinh được chuẩn bị. Hôm nay, các em sẽ có bánh và sữa - Ảnh: HỒNG QUANG
Để ứng phó đợt rét hại kỷ lục từ đầu mùa đông, nhiều tỉnh vùng núi Bắc Bộ chỉ đạo khẩn triển khai nhiều giải pháp phòng chống rét cho trâu, bò, dê và cây trồng.