Trong 11 tháng đầu năm 2023, mạng lưới giao thông đường bộ của Trung Quốc đã xử lý khoảng 3,37 tỷ lượt hành khách, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, hệ thống đường sắt Trung Quốc vận chuyển tổng cộng 3,68 tỷ lượt hành khách trong năm 2023, với trung bình hàng ngày đạt hơn 10 triệu lượt và trong ngày cao điểm là hơn 20 triệu lượt. Tất cả đều là con số cao nhất từ trước đến nay.
Để đáp ứng nhu cầu di chuyển khổng lồ trong nước, Trung Quốc đầu tư rất mạnh mẽ để xây dựng hạ tầng giao thông đồ sộ trong nhiều thập ký, với nhiều hạng mục đứng đầu thế giới.
Vô số dự án đường cao tốc "khủng"
Trong 10 năm qua, Trung Quốc không ngừng cải thiện và tối ưu hóa mạng lưới đường cao tốc trong nước. Đến cuối năm 2022, tổng chiều dài đường quốc lộ của nước này đạt 5,35 triệu km, trong đó có 177.000km cao tốc đã được thông xe, đứng đầu thế giới.
Không chỉ được xây dựng với tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng cao, hệ thống đường cao tốc của Trung Quốc còn chứng kiến vô số dự án "khủng" nhất thế giới.
Nổi bật nhất có thể kể đến cầu Hong Kong - Ma Cao - Chu Hải là cây cầu vượt biển đường bộ dài nhất thế giới được khánh thành vào năm 2018, trải dài 55 km và kết nối ba địa danh trong tên gọi. Siêu công trình này có tổng chi phí xây dựng là 126,9 tỷ nhân dân tệ (439,7 nghìn tỷ đồng), với khả năng chịu được động đất 8 độ richter, những cơn bão lớn lên đến cấp 16 và thậm chí nó vẫn đứng vững dù bị một tàu hàng hạng nặng tông trực diện.
Hay như cầu dây văng đường bộ Bắc Bàn Giang cao 565m, bắc qua sông Bắc Bàn gần thành phố Lục Bàn Thủy thuộc tỉnh Quý Châu (phía Tây Nam Trung Quốc), liên tục được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là “Cây cầu cao nhất thế giới so với mặt đất” suốt 5 năm qua.
Bên cạnh đó còn có hầm Thái Hồ dài 10,79 km và cao 7,25 m, với 6 làn đường 2 chiều rộng tổng cộng 17,45m có tốc độ thiết kế là 100km/h. Đây là đường hầm dưới nước dài nhất và rộng nhất Trung Quốc đã đi vào hoạt động cho đến nay. Hầm cao tốc dưới nước này còn được trang bị tín hiệu 5G, hệ thống định vị theo dõi đa mục tiêu, hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm sự cố giao thông...
Trung Quốc cũng đang xây dựng đường hầm cao tốc xuyên núi Tianshan Shengli, mở ra những con đường mới để liên kết giữa khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và Trung Á. Đường hầm dự kiến có tổng chiều dài 22,1km và là đường hầm xuyên núi dài nhất hiện đang được xây dựng.
Ngoài ra, nước này cũng sở hữu đường cao tốc sa mạc dài nhất thế giới, kéo dài từ thủ đô Bắc Kinh đến vùng xa xôi phía tây Tân Cương, cùng nhiều công trình cao tốc kỳ vĩ khác do sự phức tạp của vị trí địa lý.
Trung Quốc đang tăng cường đầu tư và xây dựng đường cao tốc trên khắp đất nước, đặc biệt khi nước này nỗ lực ổn định nền kinh tế sau những đợt bùng phát COVID-19.
Báo cáo cuối năm 2023 của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, nước này kế hoạch mở rộng mạng lưới đường cao tốc dài đến 461.000 km vào năm 2035 và đặt mục tiêu trở thành mạng lưới cao tốc đẳng cấp thế giới năm 2050. Bên cạnh đó, nước này thúc đẩy chuyển đổi và phát triển đường cao tốc theo hướng kỹ thuật số, hướng tới mạng lưới đường cao tốc "thông minh" và thân thiện với môi trường.
Mạng lưới đường sắt cao tốc số 1 thế giới
Đường sắt là một trong những loại hình vận tải phổ biến trên thế giới hiện nay. Với chi phí rẻ, khối lượng hàng hóa lớn và thuận tiện ở trên lục địa nên các quốc gia rất chú trọng đầu tư phát triển loại hình vận tải này.
Quốc gia sở hữu mạng lưới đường sắt lớn nhất hiện nay là Mỹ, với tổng chiều sài hơn 250.000 km. Xếp thứ 2 là đường sắt Trung Quốc với tổng chiều dài hơn 150.000 km tính đến cuối năm 2023. Sau đó lần lượt là Nga (85.500 km), Ấn Độ (65.000 km) và Canada (48.000 km).
Tuy nhiên, xét riêng về đường sắt cao tốc, Trung Quốc đang bỏ xa phần còn lại của thế giới dù xuất phát muộn hơn hàng chục năm.
Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc là tuyến Bắc Kinh - Thiên Tân với tổng chiều dài 166 km được hoàn thành vào năm 2008, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 70 phút xuống còn 30 phút. Đây cũng được xem là điểm khởi đầu cho hệ thống đường sắt cao tốc của nước này.
Năm 2008, tổng chiều dài mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc mới đạt 672 km. Đến năm 2010, con số này tăng lên thành 5.133 km. Giai đoạn 2017 - 2020 chứng kiến sự bùng nổ của mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc khi đã trải dài gần 40.000 km.
Tính đến cuối năm 2023, tổng chiều dài đường sắt cao tốc ở nước này đã chạm mốc 45.000km, vượt xa quốc gia đứng thứ hai về đường sắt cao tốc là Tây Ban Nha với tổng chiều dài 3.661km, trong khi nước này đã xây dựng mạng lưới từ năm 1992. Nhật Bản, quốc gia vận hành đường sắt cao tốc từ năm 1964, đứng thứ ba với 3.081 km. Là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có tàu cao tốc nhưng Mỹ hiện chỉ vận hành vỏn vẹn 735 km đường sắt cao tốc, đứng thứ 11 trên thế giới.
Tại Mỹ, chuyến tàu nhanh nhất - Acela Express của công ty Amtrak - chạy với tốc độ khoảng 240 km/h. Trong khi đó, với nhiều tuyến đường sắt có tốc độ tối đa 350 km/h, đường sắt cao tốc hiện là lựa chọn phổ biến nhất của người Trung Quốc cho các chuyến đi dưới 800 km. Ngay cả ở quãng đường trên 1.000 km, nhiều hành khách sẵn sàng lựa chọn đường sắt cao tốc thay vì máy bay vì kinh tế và không kém tiện nghi.
Để đạt được thành tựu như hiện nay, các kỹ sư Trung Quốc phải xử lý hàng loạt thách thức khổng lồ do diện tích quá lớn của đất nước cùng đặc điểm địa hình, địa chất và khí hậu vô cùng đa dạng.
Ví dụ, tuyến đường sắt Cáp Nhĩ Tân - Đại Liên là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới vận hành ở nhiệt độ thấp trong mùa đông. Tuyến đường sắt dài 921 km chạy qua 3 tỉnh ở đông bắc Trung Quốc với tốc độ thiết kế 300 km/h. Nó đi qua những vùng với mức nhiệt có thể xuống tới -40 độ C vào mùa đông.
Tháng 9/2023, Trung Quốc cũng khai trương tuyến đường sắt cao tốc vượt biển Phúc Châu - Hạ Môn - Chương Châu dài 227 km. Đây là tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên của Trung Quốc với tốc độ thiết kế đạt 350 km/h. Đường sắt chạy qua ba vịnh ven biển nhờ các cầu vượt biển, giúp giảm thời gian di chuyển giữa Phúc Châu và Hạ Môn - một trung tâm kinh tế và điểm thu hút du lịch của tỉnh Phúc Kiến - xuống chỉ còn chưa đầy 1 giờ.
Trước đó một tháng, Trung Quốc đã khiến thế giới kinh ngạc khi khai trương đường sắt cao tốc đầu tiên băng qua những ngọn núi cao và thung lũng dốc ở tỉnh miền núi Quý Châu. Tuyến đường sắt này nối Quý Dương (Quý Châu) với khu tự trị Choang (Quảng Tây, phía nam Trung Quốc), có tốc độ thiết kế 350 km/h, đi qua 86 cây cầu và 62 đường hầm.
Sau khi đạt được mục tiêu 350 km/h, đích nhắm tiếp theo của ngành đường sắt Trung Quốc là tốc độ 450 km/h với dự án CR450 Fuxing. Trong lần thử nghiệm gần nhất vào cuối tháng 6/2023 trên cầu vượt biển Vịnh Mị châu, tàu thử nghiệm đạt tốc độ tối đa một chiều 453 km/h và hai chiều đạt 891 km/h.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đặt tham vọng phát triển và chế tạo tàu đệm từ trường (Maglev). Tháng 7/2021, nước này ra mắt tàu đệm từ trường có thể đi với tốc độ tối đa lên tới 600km/h, vượt xa so với tốc độ tàu cao tốc hiện tại.
Hệ thống tàu đệm từ trường có thể hoạt động bình thường với 2 - 10 toa tàu và mỗi toa chứa hơn 100 hành khách. Lợi dụng lực điện từ, tàu đệm từ được “nâng” lên khỏi đường ray, tức thân tàu và đường ray sẽ không chạm nhau. Nhờ những chiếc bánh xe tích hợp lớp đệm khí và hệ thống điện từ tính giúp giảm thiểu ma sát, tàu đệm từ trường còn có thể đạt vận tốc cực cao.
Hiện tại, Trung Quốc mới chỉ có một đường ray đệm từ phục vụ hoạt động thương mại, kết nối Sân bay Quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải tới ga tàu trên đường Longyang ở thành phố này. Chỉ mất gần 8 phút để đi hết hành trình dài hơn 30km này.