Mua bán 'chui' cổ phiếu, vợ sếp ITA bị phạt tiền tỉ
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ký ban hành Quyết định số 63 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán với bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, địa chỉ ở TP.HCM.
Theo đó, bà Hạnh bị phạt hơn 1 tỉ đồng đối với hành vi không báo cáo về dự kiến giao dịch. Bà Hạnh là vợ ông Đặng Quang Hạnh - phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA).
Trong tháng 6-2022, bà Hạnh đã giao dịch gần 5,8 triệu cổ phiếu ITA (mua hơn 1,1 triệu, bán hơn 4,69 triệu). Bà Hạnh cũng đã bán 520.000 cổ phiếu ITA trong tháng 7-2022 và 88.000 cổ phiếu ITA trong tháng 9-2022 nhưng đều không báo cáo trước khi giao dịch.
Ngoài phạt tiền, bà Hạnh cũng bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 3,5 tháng.
Loạt cá nhân, tổ chức bị cấm giao dịch vì cho ông Đỗ Thành Nhân mượn tài khoản
Căn cứ kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự của cơ quan công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân.
Cụ thể các tổ chức gồm Công ty CP Louis Holdings, Công ty CP The Golden Group và 10 cá nhân đều ở TP.HCM bị đình chỉ giao dịch chứng khoán, trên hàng loạt tài khoản mở tại Công ty CP chứng khoán Trí Việt và Công ty CP chứng khoán APG trong thời hạn 9 tháng. Thời gian bị đình chỉ bắt đầu từ ngày 19-1-2024.
Các tổ chức, cá nhân trên có hành vi vi phạm cho ông Đỗ Thành Nhân (cựu chủ tịch Louis Holdings, hiện đang bị phạt tù) mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với mã chứng khoán BII và TGG.
Căn cứ kết luận điều tra, 12 tổ chức, cá nhân nêu trên không có khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân kể trên cũng bị cấm giao dịch chứng khoán, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thời hạn 2 năm, kể từ 19-1-2024.
Xe cộ đi lại qua khu vực ga Sài Gòn Tết này ra sao?
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa thông báo tổ chức lại giao thông quanh ga Sài Gòn (quận 3) đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán này.
Cụ thể, điều chỉnh đi lại đường Đỗ Thị Lời (đoạn từ đường Hoàng Sa đến đường Cách Mạng Tháng Tám) từ ngày 24-1 đến hết ngày 26-2.
Trong đó đoạn từ đường Hoàng Sa đến đường Trần Văn Đang sẽ cấm ô tô đi lại trong khoảng thời gian từ 6h-8h và từ 16h-20h theo hướng từ đường Hoàng Sa đến đường Trần Văn Đang.
Lộ trình lưu thông thay thế tham khảo: Đường Hoàng Sa - đường Rạch Bùng Binh - đường Cách Mạng Tháng Tám.
Đoạn từ đường Trần Văn Đang đến đường Cách Mạng Tháng Tám cấm ô tô đi lại trong khoảng thời gian từ 6h-8h và từ 16h-20h.
Lộ trình lưu thông thay thế tham khảo: Đường Cách Mạng Tháng Tám - đường Phạm Văn Hai - đường Hoàng Sa và ngược lại.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phương án phân luồng giao thông như trên là để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trong khoảng thời gian ga Sài Gòn vào cao điểm phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn..
Người dân qua lại chú ý chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ. Xe ô tô của cư dân trong khu vực được phép đi theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông.
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội khắc phục hàng trăm tỉ đồng
Theo tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, năm 2023, tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 61.000 tỉ đồng, tăng trên 7.200 tỉ so với cùng kỳ (tăng khoảng 13%).
Tỉ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi chỉ còn khoảng 2,3%. Số tiền các đơn vị khắc phục nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 79% (khoảng 515 tỉ đồng).
Năm 2023, Hà Nội có trên 2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng gần 4% so với năm 2022. Như vậy, gần 44% lao động tham gia lưới an sinh lâu dài. Số đóng bảo hiểm tự nguyện trên 106.000 người, tăng hơn 42% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thành phố có trên 7,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94% dân số.
Cũng trong năm, thành phố giải quyết bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho trên 667.000 lượt người với số tiền gần 8.500 tỉ đồng. Trong năm 2023, thành phố phát sinh hơn 12,6 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng hơn 16% so với năm 2022. Tổng chi phí khoảng 22.500 tỉ đồng.
Việt Nam chi hơn 1,4 tỉ USD nhập khẩu phân bón các loại
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, nhập khẩu phân bón đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỉ USD, giá trung bình 342,9 USD/tấn, tăng 21,3% về lượng, giảm 12,8% kim ngạch so với năm 2022.
Về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, Trung Quốc đứng đầu, chiếm gần 50% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước với 2,4 triệu tấn.
Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, với hơn 288.000 tấn, tương đương hơn 132 triệu USD. Thứ ba là nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt hơn 470.000 tấn.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA RCEP đạt trên 3 triệu tấn, thị trường FTA CPTTP hơn 504.000 tấn.
Nhìn chung, trong năm 2023 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng khối lượng nhưng giảm kim ngạch so với năm 2022.
Venezuela bắt nhiều người âm mưu chống chính quyền; Israel đề xuất tạm dừng giao tranh trong 2 tháng ở Gaza; Mexico nói vũ khí của quân đội Mỹ bị tuồn qua biên giới... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 23-1.