Già hóa dân số gia tăng
Tại hội thảo, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM nêu thực trạng tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên địa bàn gia tăng với tốc độ khá nhanh trong thời gian qua.
Tính đến hết ngày 1.12.2023, TP.HCM có hơn 1,33 triệu NCT (trên 60 tuổi), chiếm tỷ lệ 12,24% trên tổng dân số. Cùng với đó, tuổi thọ trung bình của dân số tại TP.HCM là 76,3 tuổi; trong đó nam là 73,9 tuổi và nữ là 79,2 tuổi.
"Số sinh thấp, tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao là nguyên nhân khiến TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động từ 10 - 20% được gọi là già hóa dân số, nếu tỷ lệ này vượt quá 20% thì trở thành dân số già", ông Trung nói và chỉ ra rằng già hóa dân số khiến nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe (CSSK), vui chơi giải trí…
Kết quả khảo sát ý kiến 1.200 NCT và người thân về mô hình sử dụng nhà dưỡng lão trên địa bàn TP.HCM của Chi cục DS-KHHGĐ cho thấy, có 25,6% NCT có nhu cầu sử dụng nhà dưỡng lão và hình thức sử dụng nhà dưỡng lão đa số NCT mong muốn loại hình "ở bán thời gian". Bởi đa số hiện nay NCT vẫn mong muốn sống tại gia đình là vì họ còn con cháu, người thân. Ngoài ra, nguồn thu nhập của NCT tại gia đình chủ yếu đến từ nguồn tiết kiệm, lương hưu, con cháu hỗ trợ… Bên cạnh đó, không ít NCT là lao động tự do, không được hưởng bảo hiểm xã hội, tích lũy tiết kiệm ít, vẫn phải bươn chải với cuộc sống thường ngày.
Có "nhà trẻ" mà không có "nhà già"
Tuy già hóa dân số tăng nhanh, nhưng tại TP.HCM hiện chỉ có 21 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập dành cho NCT. Các chuyên gia tại hội thảo đặt vấn đề liệu có đủ và đáp ứng cho làn sóng già hóa sắp đến. Số cơ sở phúc lợi chăm sóc NCT tại TP.HCM, trung tâm dưỡng lão, bệnh viện, khoa lão dành cho NCT còn hạn chế sẽ là trở ngại rất lớn trong việc hỗ trợ NCT tiếp cận dịch vụ CSSK.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu VH-XH, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, đặt vấn đề: Tại sao ở các khu đô thị dân cư, chung cư chỉ có nhà trẻ mà không có "nhà già"? Theo ông, TP.HCM cần xây dựng các cơ sở "nhà già" ở các khu dân cư, chung cư đông NCT, có kết cấu như một nhà dưỡng lão mini (như mô hình nhà trẻ) để có thể đón tiếp NCT thuận lợi.
"Các cụ có thể tự đi đến đầu ngày, về cuối ngày. Có nhân viên chuyên nghiệp phục vụ và thu phí chăm sóc, vận hành như một doanh nghiệp nhỏ, như mô hình nhà trẻ hiện nay", ông Thành nêu ý kiến và đề xuất xây dựng đề án "bản đồ NCT tại TP.HCM", bộ dữ liệu về NCT, nhằm cung cấp những hướng dẫn thực tế và chi tiết nhất cho mỗi gia đình tại TP.HCM có thể chăm sóc người nhà của mình tốt nhất.
Tại hội thảo, TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa, cho biết các cơ sở chăm sóc NCT chủ yếu sử dụng người tốt nghiệp các chuyên ngành về sức khỏe, đặc biệt là ngành điều dưỡng. Sau khi tuyển dụng, các cơ sở dưỡng lão phải đào tạo lại nhằm bổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về chăm sóc NCT trước khi làm việc. TS Sáng cho rằng cần mở ngành đào tạo chuyên sâu về "chăm sóc NCT" là cần thiết. Bên cạnh đó, chính quyền cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia công tác chăm sóc NCT, cụ thể là đầu tư xây dựng các nhà dưỡng lão.
Cùng quan điểm, nhưng ở góc độ CSSK, TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho rằng nếu không kịp xây dựng các trung tâm dưỡng lão theo kịp tốc độ già hóa dân số, TP.HCM có thể xây dựng mô hình trung tâm CSSK ban ngày. Đây là mô hình theo dõi CSSK NCT tại nhà mà không cần đi viện dưỡng lão. Điển hình trong mô hình CSSK ban ngày là mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại Q.Gò Vấp bên cạnh công tác khám chữa bệnh ban đầu, CSSK NCT; công tác dân số…
Các đại biểu cũng đề xuất quan tâm hơn nữa về chính sách bảo hiểm xã hội đối với NCT khó khăn, nghèo…
UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT (phấn đấu đạt vào năm 2030) gồm các mục tiêu:
- NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
- NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...).
- NCT có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự CSSK. 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc được CSSK bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
- Tuổi thọ bình quân đạt 76,8 tuổi vào năm 2025 và 77 tuổi vào năm 2030, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm vào năm 2025 và 68 tuổi vào năm 2030.
- Thí điểm mô hình Trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa.
- Bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có khoa lão và bệnh viện tuyến quận, huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT đạt 100% năm 2025 và duy trì đến năm 2030...