vĐồng tin tức tài chính 365

Cựu chủ tịch Khánh Hòa: 'Bị cáo thấy đau xót vì sai phạm'

2024-01-24 11:46

Chiều 23/1, phiên xử ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Đào Công Thiên, cựu chủ tịch và phó chủ tịch Khánh Hòa, cùng 7 bị cáo nguyên là lãnh đạo các sở ngành, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự tiếp tục với phần xét hỏi.

Tòa dành nhiều thời gian xét hỏi ông Thắng để làm rõ nguyên nhân, động cơ sai phạm của cựu chủ tịch tỉnh.

Ông Thắng bị cáo buộc có sai phạm khi chỉ định nhà đầu tư, không tổ chức đấu thầu, giao khu đất rộng 22.340 m2 (trước đây thuộc Nhà nghỉ Tỉnh ủy) nằm ở Bãi Dương, TP Nha Trang, cho Công ty Cổ phần đầu tư Viễn Triều Nha Trang (nay sáp nhập vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh) thực hiện dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus (hiện là Mường Thanh Viễn Triều). Sai phạm của ông Thắng và các cấp dưới đã gây thiệt hại ngân sách Nhà nước năm 2015 là hơn 5,6 tỷ đồng; còn tại thời điểm ngày 6/1/2022 (phát hiện sai phạm) là 357 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hoà, tại phiên xét xử. Ảnh: Bùi Toàn

Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hoà, tại phiên xét xử. Ảnh: Bùi Toàn

Trả lời HĐXX về việc thu hồi đất của một pháp nhân độc lập là Công ty Thiên Triều để giao cho một doanh nghiệp khác là Công ty Viễn Triều Nha Trang là có hay không đúng quy định pháp luật, ông Thắng nói hai công ty này không phải là hai đơn vị độc lập. Do Công ty Thiên Triều có địa chỉ ở Hà Nội, nên đã lập thành Công ty Viễn Triều Nha Trang (có 95% vốn cổ đông sáng lập của Công ty Thiên Triều) để có thể thực hiện dự án, đóng thuế tại địa phương.

"Bị cáo cho rằng đây là pháp nhân mới để đóng thuế trên địa bàn. Do đó, việc cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuyển chủ đầu tư giữa hai doanh nghiệp là đúng", ông Thắng nói.

HĐXX giải thích, một công ty phải có đủ 100% vốn cổ đông của công ty trước thì mới gọi là pháp nhân kế thừa, còn chưa đủ thì vẫn là pháp nhân độc lập. Ông Thắng cho biết: "Điều này bị cáo không nắm rõ, lúc đó chỉ nhận thức chủ quan là pháp nhân cũ nên ký cho phép".

Về việc quy hoạch chung của TP Nha Trang chỉ được xây tối đa 40 tầng nhưng lại cho Công ty Viễn Triều xây dự án 47 tầng, cựu chủ tịch cho biết thời điểm đó có nhiều dự án "được cho phép xây cao hơn 40 tầng" nên chủ quan cho rằng "cứ cho xây rồi xin phép Thủ tướng, nếu không được sẽ yêu cầu điều chỉnh". "Sau này bị cáo nghỉ hưu nên không khắc phục được, nhưng khi ông Lê Đức Vinh làm Chủ tịch (nhiệm kỳ sau) đã điều chỉnh rồi", ông Thắng nói.

Bị xét hỏi về số tiền thiệt hại 5,7 tỷ đồng vào năm 2015 (còn thời điểm phát hiện sai phạm năm 2022 là 357 tỷ) do tính giá đất chưa đúng, cựu chủ tịch cho rằng lúc đó tỉnh đã tính giá đất năm 2015 - tức làm lợi cho tỉnh khoảng 5 tỷ đồng, tiết kiệm được khoảng một tỷ. Còn thời điểm bị cơ quan chức năng cáo buộc về số tiền thiệt hại thì bị cáo "không nắm rõ vì đã về hưu" và "mong HĐXX xem xét".

Ông Thắng cũng cho biết, thời điểm Thanh tra Chính phủ thanh tra các sai phạm thì ông không được tham dự để trình bày với cơ quan điều tra. "Nếu bị cáo được giải thích trước khi có kết luận thanh tra thì có lẽ vấn đề sẽ khác hơn. Giờ ra nông nỗi này thì bị cáo chấp nhận", ông Thắng nói.

Khi được hỏi về trách nhiệm trong vụ án, cựu chủ tịch giọng chậm, cho biết cảm thấy rất đau xót, lúc làm chỉ mong chống suy thoái kinh tế và "phải làm cho bằng được, làm hết mình".

"Lúc bị cáo làm thì tỉnh thu ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng. Khi bị cáo nghỉ hưu (năm 2015) tỉnh đã thu ngân sách 20.000 tỷ. Thời điểm đó Chính Phủ chưa có chính sách kích cầu như hiện nay, nên tỉnh chỉ biết dùng nguồn vốn của dân để đầu tư phát triển, chống suy thoái kinh tế", ông Thắng phân trần.

Cụm 6 tòa nhà gồm khách sạn, căn hộ bán và cho thuê mang tên Mường Thanh Viễn Triều - liên quan đến sai phạm của nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Bùi Toàn

Cụm 6 tòa nhà gồm khách sạn, căn hộ bán và cho thuê mang tên Mường Thanh Viễn Triều - liên quan đến sai phạm của nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Bùi Toàn

Cáo trạng xác định, sau khi được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, Công ty Cổ phần đầu tư Thiên Triều (Công ty Thiên Triều) không thực hiện dự án, không đóng tiền thuê đất mà đến năm 2014 xin chuyển dự án cho Công ty Viễn Triều Nha Trang, và được tỉnh chấp thuận. Lúc này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng Công ty Thiên Triều chuyển dự án cho công ty khác là chưa phù hợp với Nghị định 108/2009 của Chính phủ.

Về sai phạm trong phê duyệt quy hoạch, nhà chức trách cho rằng, UBND tỉnh thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus, chiều cao 47 tầng, là không đúng quy hoạch chung của TP Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2012.

UBND tỉnh đã giao đất cho Công ty Thiên Triều thực hiện dự án Khu phức hợp Thiên Triều không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai, điều 61 Nghị định 181/2004 của Chính phủ.

Ngoài ra, việc thu hồi đất của Công ty Thiên Triều để giao cho Công ty Viễn Triều Nha Trang thực hiện dự án Khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và không đúng đối tượng, vì hai công ty này là hai pháp nhân độc lập.

Nhà chức trách cũng cáo buộc, Hội đồng thẩm định giá đất và đơn vị tư vấn sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp để xác định giá đất 9,2 triệu đồng/m2 là không đúng (không đủ điều kiện để áp dụng theo quy định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn). Việc này dẫn đến ngân sách Nhà nước bị thất thoát ở thời điểm năm 2015 là hơn 5,6 tỷ đồng; còn tại thời điểm ngày 6/1/2022 (phát hiện sai phạm) là 357 tỷ đồng.

Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Bùi Toàn

Xem thêm: lmth.5414074-mahp-ias-iv-tox-uad-yaht-oac-ib-aoh-hnahk-hcit-uhc-uuc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cựu chủ tịch Khánh Hòa: 'Bị cáo thấy đau xót vì sai phạm'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools