Đó là điểm sáng thu hút đầu tư đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM được ông Hứa Quốc Hưng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) - thông tin tại buổi họp báo do Hepza tổ chức ngày 24-1.
Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp đạt kỷ lục nhờ Viettel
Ông Hưng cho hay đây là năm đầu tiên thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM vượt mức 1 tỉ USD, trong đó riêng dự án của nhà đầu tư trong nước là Viettel vào huyện Củ Chi đã đạt 624 triệu USD.
Đây là dự án đầu tư về lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trung tâm dữ liệu (data center)…
Theo Hepza, đây cũng là dự án đã trở thành hiện thực từ hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi vào năm 2022 (hội nghị này đã có 31 bản ghi nhớ đầu tư vào Củ Chi, Hóc Môn với số vốn lên đến 16,2 tỉ USD).
Ông Hưng cho biết bên cạnh điểm sáng thu hút đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng so với năm trước đó và suất đầu tư trung bình trên mỗi ha đất cũng tăng, cho thấy TP.HCM đã có sự sàng lọc, chắt chiu về ngành nghề khi quỹ đất hạn chế, nhằm mục tiêu thu hút nhiều "đại bàng" về "làm tổ".
Trong năm 2023, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 1 tỉ USD, đạt 184% kế hoạch, tăng 84% so với năm 2022.
Suất đầu tư tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất là 8,1 triệu USD/ha (không tính dự án Viettel với 624 triệu USD). Trong đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 222 triệu USD, tăng 13,4% so với năm 2022.
Đối với vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký giảm nhưng dự án điều chỉnh vốn lại tăng so với năm 2022. Hiện suất đầu tư đối với khối vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,58 triệu USD/ha.
Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 18.531 tỉ đồng (tương đương hơn 789 triệu USD), tăng gần 124% so với năm 2022.
Trong đó, cấp mới 46 dự án với vốn đầu tư đăng ký gần 16.716 tỉ đồng, tăng 150% so với năm 2022. Suất đầu tư là 4,68 triệu USD/ha, chưa tính dự án của Viettel.
Thưởng Tết trung bình mỗi người lao động là 7,3 triệu đồng
Theo Hepza, tính đến ngày 31-12-2023, tổng số lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP là 252.057 người, giảm 8% so với năm 2022.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư - phó trưởng ban Hepza - cho hay kết quả khảo sát của 520 doanh nghiệp (với 184.733 lao động) cho thấy năm nay, phần lớn các doanh nghiệp mặc dù gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết cho người lao động.
Mức thưởng bình quân đối với người lao động làm việc đủ 12 tháng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp là 7,3 triệu đồng.
Theo bà Thư, ngoài thưởng Tết, các doanh nghiệp cũng quan tâm hỗ trợ người lao động bằng nhiều hình thức như có xe đưa đón người lao động về quê, quà Tết, thăm hỏi người lao động khó khăn…
Bà Thư cho hay qua khảo sát các doanh nghiệp, năm nay do tình hình khó khăn nên số lao động về quê không nhiều so với mọi năm. Do đó, số lượng lao động trở lại sau Tết không biến động nhiều, quý 1 có khoảng 10.000 vị trí cần tuyển dụng.
Tuy nhiên, Hepza cũng cho biết một "nốt trầm" trong phúc lợi đối với người lao động là kết quả khảo sát cho thấy có 380 người lao động của các doanh nghiệp gặp khó khăn nên không được thưởng Tết, cao hơn so với năm ngoái.
Với các lao động này, Hepza sẽ trực tiếp đến thăm, tặng quà với trị giá khoảng 1 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, Hepza cũng tổ chức loạt chương trình tặng quà Tết, tặng vé tàu xe, vé máy bay cho người lao động về quê...
Sẽ hoàn thiện đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất và khu công nghiệp
Năm 2024, Hepza đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư, với suất đầu tư bình quân là 8,5 triệu USD/ha.
Bên cạnh đó, Hepza cũng sẽ hoàn thành đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu. Ngoài ra, Hepza cũng đặt mục tiêu đôn đốc việc xây dựng 25.000m² nhà xưởng cao tầng.
Nếu không sớm giải nhanh bài toán thiếu quỹ đất làm khu công nghiệp, TP.HCM sẽ tiếp tục mất đi sức cạnh tranh với các đô thị trong khu vực khi "đại bàng" tỉ USD không chọn làm nơi "lót ổ" bởi TP.HCM đang thiếu quỹ đất lớn.