Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM diễn ra vào chiều 24/1, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có những đánh giá những cơ hội mà Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho Thành phố trong việc thúc đấy tăng trưởng xanh.
Nhiều cơ hội được mở ra
Hiện hệ thống giao thông nội đô của TP.HCM đang bị chi phối bởi phương tiện cơ giới hóa tư nhân, chủ yếu là xe máy. Bên cạnh việc sử dụng xe máy cá nhân chiếm ưu thế (hơn 8,2 triệu xe), thành phố đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ sở hữu ô tô do các biện pháp hạn chế lưu lượng xe máy và giảm giá ô tô.
Điều này dẫn đến các tác động về mặt môi trường, Cụ thể, giao thông đường bộ không chỉ chiếm 18,5% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, đồng thời còn là nguồn gây ô nhiễm không khí đô thị chính, gây ra 40% tổng nồng độ PM2.5 tại Thành phố.
Ngoài ra, về mặt kinh tế - xã hội, thực trạng giao thông hiện nay cũng gây các bất cập như tổn thất về chi phí và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, cần thúc đẩy các giải pháp cho hệ thống giao thông xanh để đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của thành phố.
Bà Mai cho biết Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép Thành phố ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện.
Đồng thời, Nghị quyết 98 cũng quy định UBND Thành phố có thẩm quyền thực hiện việc hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch tham gia giao thông.
“Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch”, bà Mai cho biết.
Cùng với việc phát triển giao thông xanh, bà Mai cho biết Nghị quyết 98 cũng cho phép Thành phố thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
Đây là mô hình phát triển đô thị đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới nhằm sắp xếp tổ chức lại đô thị trên cơ sở tối ưu hóa việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng công suất lớn, và tận dụng giá trị gia tăng từ đất tại các vị trí đầu mối giao thông.
Cơ chế này cho phép Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, tức được tách rời các công việc liên quan bồi thường với công việc xây dựng, để thu hồi đất, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.
Để tạo thêm tính khả thi và hiệu quả cho cơ chế này, Nghị quyết số 98 cũng cho phép Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với khu vực đô thị hiện hữu, thay vì các cơ quan trung ương.
Theo bà Mai, hiện ngoài các tuyến Metro 1 về cơ bản đã hoàn thành, TP.HCM còn phải phát triển các dự án Metro 2 (48.320 tỷ đồng) và Metro 5 (41.072 tỷ VNĐ), đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ, còn lại 9 dự án Metro và 3 dự án đường sắt nhẹ với tổng vốn đầu tư dự kiến là 386.560 tỷ đồng hiện chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.
Do đó, với các cơ chế nêu trên, Thành phố sẽ bố trí ngân sách để thực hiện công tác giải tỏa mặt bằng tại các khu vực phụ cận các nhà ga Metro, các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và tổ chức đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án bất động sản tại các khu đất liên quan.
Việc này sẽ tạo ra cơ hội đầu tư rất tốt cho các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, do sẽ nhận được quỹ đất sạch để phát triển dự án thông qua cơ chế minh bạch, cùng với các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể để tính toán phương án tài chính làm cơ sở quyết định tham gia đầu tư dự án.
Tận dụng tối đa các nguồn lực
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, với các thể chế đã được Trung ương phép trong Nghị quyết 98, bà Mai cho biết Thành phố sẽ huy động hiệu quả hơn các nguồn lực thực hiện.
Chẳng hạn, Thành phố sẽ huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành nghề lĩnh vực: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên...
Thành phố cũng có thể huy động cho các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua cơ chế phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Đặc biệt, cơ chế mới cho phép giải quyết việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các khu đất có mục đích hỗn hợp và trong đó có phần đất công, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ giữa quy định của Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực hiện dự án.
“Chính sách này giúp Thành phố giải được bài toán về cạn kiệt quỹ đất xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, trong đó đặc biệt là bãi đỗ xe tại khu vực trung tâm. Sớm giúp Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư trên Thành phố”, bà Mai nói.
Ngoài ra, Thành phố cũng có thể tạo nguồn thu từ bán tín chỉ cacbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cacbon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách Thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
“Đối với nguồn thu này, Nghị quyết 98 xác định nguồn thu từ giao dịch tín chỉ cacbon là nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng 100%, các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố”, bà Mai nói thêm.